Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc: Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển bền vững

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc: Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển bền vững
4 giờ trướcBài gốc
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau gần 15 triển khai thực hiện trên cả nước, Chương trình xây dựng nông thôn đã đạt nhiều kết quả quan trọng và tích cực. Bộ mặt nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn, hệ thống hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục... được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới.
Đến nay, cả nước có 6.292 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,1%; trong đó có 2.163 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 471 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thu Dịu
Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thông mới, chiếm gần 46% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Trong đó, đã có 11 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với Bình Định, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, địa phương đã có nhiều nỗ lực vươn lên và đạt được những thành tích đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Tây Sơn là huyện thứ 6 của tỉnh Bình Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Thu Dịu
Từ những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh tới cơ sở cần có tư duy mới, cách làm mới trong quá trình xây dựng Tây Sơn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn sáng – xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; an ninh trật tự được giữ vững.
Diện mạo của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có nhiều thay đổi sau 13 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Dũng Nhân
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản với thành thị.
"Chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất... hướng tới xuất khẩu. Giúp người dân thoát nghèo, hội nhập và phát triển. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải suy nghĩ và hành động theo phương châm 'nông thôn mới – tư duy mới – cách làm mới'. Chúng ta thực hiện toàn diện, đầy đủ theo 9 chữ này, nghĩa là chúng ta xây dựng và thành nông thôn mới một cách nâng cao"- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao Bằng công nhận huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Theo UBND huyện Tây Sơn, quahơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của huyện đã có sự phát triển vượt bậc. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, cùng với diện mạo đô thị Phú Phong đổi thay và phát triển theo hướng hiện đại đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho địa phương.
Sản phẩm đặc trưng của người dân huyện trung du Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu
Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới là 17.200 tỷ đồng. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước là 3.493 tỷ đồng, chiếm 20%; vốn tín dụng 437 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp 90 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp tự nguyện của người dân 380 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 10.300 tỷ đồng; vốn đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất trong nhân dân 2.500 tỷ đồng.
Đến nay, Tây Sơn đã có 14/14 xã đạtchuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Phú Phong được công nhận đô thị văn minh. Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản phẩm của huyện Tây Sơn đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm theo giá trị sản phẩm đạt 6,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ chiếm gần 74%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2011). Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 3,57% (giảm gần 13% so với năm 2011).
Nguyễn Thị Thu Dịu
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/pho-thu-tuong-chinh-phu-ho-duc-phoc-xay-dung-huyen-nong-thon-moi-kieu-mau-phat-trien-ben-vung-204241001130458852.htm