Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Hà Nội cần xác định rõ nguồn gây ô nhiễm và có giải pháp xử lý dứt điểm

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Hà Nội cần xác định rõ nguồn gây ô nhiễm và có giải pháp xử lý dứt điểm
3 ngày trướcBài gốc
Ngày 26/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị TP. Hà Nội tập trung báo cáo những dự án trọng điểm của quốc gia và Thành phố đang chậm tiến độ liên quan đến áp dụng cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành.
Các giải pháp tổng thể, bài bản để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, các dòng sông nhằm giải quyết căn cơ vấn đề chăm lo sức khỏe cho người dân, chỉnh trang đô thị góp phần đưa Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp, đáng sống hơn.
"Hà Nội đã đề xuất dự án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng mục tiêu phải là tất cả các dòng sông trên địa bàn Thành phố phải được phục hồi. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cùng đồng hành", Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị TP. Hà Nội khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện mô hình "Thành phố an toàn giao thông".
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024, chiếm 10,5% tổng số vốn của cả nước được Quốc hội quyết nghị phân bổ.
Xác định đầu tư công là động lực quan trọng, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, ngay từ đầu năm, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy kế hoạch giải ngân đầu tư công.
Đáng chú ý, UBND Thành phố đã chỉ đạo phân luồng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư công; phân luồng "làn xanh", yêu cầu xử lý trong vòng 24 giờ đối với 10 dự án quan trọng (cải tạo không gian khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm và cải tạo Quảng trường Đông Kinh-Nghĩa Thục; cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu; cầu Trần Hưng Đạo; cầu Ngọc Hồi; cải tạo, nâng cấp mở rộng các tuyến đường xung quanh hồ Tây; cải tạo, chỉnh trang, bổ cập nước sông Tô Lịch; Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu công nghệ cao Sinh học; đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô; tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao-Hòa Lạc).
Về chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, Hà Nội đang trên đà tăng trưởng kinh tế nhưng lại kéo theo các hệ lụy về sử dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đặc biệt, chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP
Theo ông Đông, tùy từng thời điểm, mức độ các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 chiếm tỉ lệ khác nhau, trong đó cao nhất là nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) khoảng 58-74%, tiếp đó là nguồn công nghiệp từ 14-23%, nguồn nông nghiệp từ 3,4-18,9%, nguồn dân sinh và đốt rác có mức đóng góp...
Thành phố đã rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý môi trường không khí; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống quan trắc nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí; tập trung giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, cảnh báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hợp tác quốc tế…
Về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, hiện UBND Thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt 8 nhóm giải pháp chính sách, cơ bản lâu dài và 6 nhóm giải pháp cấp bách trước mắt. quý I/2025, thành phố đã xử lý được 3/37 điểm ùn tắc giao thông...
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu, giải đáp đầy đủ kiến nghị của TP. Hà Nội, đề xuất cấp có thẩm quyền trên tinh thần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương chủ động trong điều hành, bố trí ngân sách thực hiện các dự án trọng điểm theo kế hoạch tiến độ, nhu cầu vốn.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể trong đàm phán, bố trí ngân sách nhà nước đối với một số dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA; lập dự án độc lập thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đồng thời với việc chuẩn bị thủ tục đầu tư đối với các dự án trọng điểm, cấp bách; phương án đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 cầu (Ngọc Hồi, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo); phương thức đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với trung tâm Hà Nội…
Về các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với TP. Hà Nội, các địa phương vùng Thủ đô xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án giải quyết ô nhiễm không khí vùng Thủ đô, kế hoạch cụ thể, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cơ chế, chính sách kèm theo.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với TP Hà Nội để xác định, nắm rất rõ nguồn gây ô nhiễm, tỷ lệ, thời điểm ô nhiễm nặng, và có giải pháp, cơ chế để xử lý dứt điểm như: Di dời, đóng cửa những cơ sở gây ô nhiễm nặng; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải phương tiện giao thông…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, TP Hà Nội triển khai các giải pháp trước mắt, lâu dài liên quan đến chấn chỉnh, bảo đảm trật tự an toàn giao thông tập trung vào một số nguyên nhân: Quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý phương tiện giao thông, điều tiết giao thông…
"Đây cũng là nhiệm vụ của TP Hà Nội, các đồng chí phải chủ động làm việc với các bộ, ngành để đưa ra phương án. Những chính sách có tác động lớn thì có thể báo cáo Trung ương như: Hạn chế phương tiện cá nhân tại một số tuyến phố, đường, khu vực trọng điểm bằng công cụ kinh tế thay vì biện pháp hành chính; ứng dụng công nghệ trong giám sát, điều hành giao thông thông minh; bố trí các bến, điểm đỗ, tuyến giao thông công cộng thuận tiện cho người dân…", Phó Thủ tướng nói.
Minh Chí
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/pho-thu-tuong-chinh-phu-tran-hong-ha-ha-noi-can-xac-dinh-ro-nguon-gay-o-nhiem-va-co-giai-phap-xu-ly-dut-diem-post340166.html