Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp gỡ khó cho 2 'siêu dự án' tỷ đô tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp gỡ khó cho 2 'siêu dự án' tỷ đô tại Bà Rịa – Vũng Tàu
12 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo giao các Bộ liên quan tiếp tục nghiên cứu các đề xuất của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định. Ảnh: Mạnh Cường
Báo cáo tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện Hyosung Vina cho biết, Dự án "Nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG" của Hyosung Vina có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,67 tỷ USD, cuối năm 2021, Hyosung Vina đã đưa toàn bộ các công trình của Dự án vào vận hành với sản lượng hạt nhựa Polypropylene (PP) trung bình khoảng 550.000 tấn/năm.
Kể từ khi đưa Dự án vào vận hành, công ty liên tục bị thua lỗ. Tính đến 30/06/2024, số lỗ lũy kế là 636.876.934 USD, do nguyên liệu đầu vào cho Dự án là LPG (Propan chiếm 67% chí phí sản xuất PP) phải nhập khẩu toàn bộ.
Giá dầu Thế giới những năm qua tăng mạnh do chiến tranh Nga-Ukraine và bất ổn ở Trung Đông đẩy giá thành PP lên cao trong khi công ty không thể tăng giá bán PP trong nước và xuất khẩu tương ứng;
Hàng hóa PP của Hyosung Vina phải cạnh tranh gay gắt với PP nhập khẩu vào Việt Nam giá rẻ, không chịu thuế nhập khẩu. Do vậy, giá bán PP của Hyosung Vina không được tốt, gây lỗ.
Cũng theo Hyosung Vina, những năm gần đây, thực hiện các Hiệp định Thương mại với nhiều nước, Việt Nam bỏ hàng rào thuế quan nhập khẩu mặt hàng PP. Do vậy, PP giá rẻ từ Trung Đông và Đông Bắc Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn. Trước tình hình đó, Hyosung Vina vẫn phải duy trì sản xuất kinh doanh để giữ chân khách hàng và người lao động.
Do vậy, Hyosung Vina kiến nghị Chính phủ tăng 1 số loại thuế nhập khẩu liên quan tới các sản phẩm công ty đang sản xuất cũng như dựng hàng rào thuế quan đối với PP từ Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc nhằm bảo vệ và đảm bảo sự tồn tại của ngành công nghiệp hóa dầu trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết hai dự án này đưa vào hoạt động bước đầu hình thành ngành công nghiệp mới "Công nghiệp hóa dầu" của kinh tế địa phương. Ảnh: Mạnh Cường
Dự án "Tổ hợp Hóa dầu miền Nam" của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) có tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD, mới đi vào hoạt động thương mại từ đầu tháng 10/2024, tuy nhiên, do suy thoái kéo dài đã làm giảm đáng kể biên lợi nhuận gộp của ngành, chênh lệch giữa giá sản phẩm hạt nhựa PE/PP và giá nguyên liệu naphtha đã giảm xuống dưới 300 USD/tấn, mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Theo LSP, giá sản phẩm hiện tại không đủ trang trải chi phí sản xuất, dẫn đến LSP và nhiều nhà sản xuất khác phải chịu biên lợi nhuận hoạt động âm (Tình hình chưa từng có này dự kiến sẽ tiếp diễn trong vài năm tới). Do phải chịu các khoản lỗ liên tiếp, LSP cho biết buộc phải tạm dừng hoạt động để bảo toàn thanh khoản.
Cũng theo LSP, hiện nay, ngoại trừ Việt Nam, các nước Châu Á khác đã áp dụng chính sách thuế quan đối với hạt nhựa PE và PP nhập khẩu từ các quốc gia không có hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là từ các khu vực có chi phí nguyên liệu đầu vào rẻ hơn như Trung Đông và Mỹ. Ấn Độ và Indonesia đã đưa ra các biện pháp bảo vệ phi thuế quan, chứng nhận nhập khẩu và hạn ngạch, tuân thủ các quy định của WTO, để bảo vệ các ngành công nghiệp hóa dầu của họ.
“Ngoài ra, tất cả các nước Châu Á đều miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu đầu vào và năng lượng chính, chẳng hạn như naphtha, propane, ethane và LNG, khi sử dụng cho sản xuất trong nước có giá trị gia tăng, đảm bảo chi phí cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hóa dầu trong nước của họ”, đại diện LSP chia sẻ.
Trong bối cảnh này, LSP mong muốn Chính phủ xem xét lại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MEN 10% đối với sản phẩm hạt nhựa PE và PP và nhanh chóng thiết lập các cơ chế bảo vệ ngành hóa dẩu trong nước khỏi những tổn thất đáng kể và nguy cơ phá sản.
Tại buổi họp, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết hai dự án này đưa vào hoạt động bước đầu hình thành ngành công nghiệp mới "Công nghiệp hóa dầu" của kinh tế địa phương, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triên kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, 02 dự án trên đi vào hoạt động trong bối cảnh ngành công nghiệp hóa dầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chịu tác động từ chu kỳ suy thoái, giá sản phẩm hiện tại không đủ trang trải chi phí sản xuất nên các chủ đầu tư đã chủ động triển khai các phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại hoạt động, chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào; đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Trước những khó khăn của nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã chủ động làm việc, hướng dẫn; kịp thời tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Sau khi nghe các Bộ và địa phương cung cấp thông tin và có những báo cáo chi tiết liên quan đến chính sách và luật hiện hành cũng như thực tế tại 2 doanh nghiệp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo giao các Bộ liên quan tiếp tục nghiên cứu các đề xuất của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định. Qua đó, cũng xem xét nghiên cứu cơ chế bảo hộ cho DN trong nước trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng triển khai các đề xuất về đầu tư thêm trong dự án để các cơ quan liên quan tiếp nhận, đánh giá và đề xuất.
Mạnh Cường
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/pho-thu-tuong-chinh-phu-tran-hong-ha-hop-go-kho-cho-2-sieu-du-an-ty-do-tai-ba-ria-vung-tau-10294455.html