Phó Thủ tướng: 'Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của khoa học công nghệ'

Phó Thủ tướng: 'Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của khoa học công nghệ'
10 giờ trướcBài gốc
(Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại sự kiện “Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5” năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã có bài phát biểu chỉ đạo giúp định hướng và truyền cảm hứng cho hành trình phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.
Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng gửi lời chúc mừng đến các nhà khoa học, người lao động và người yêu khoa học trên toàn quốc và cảm ơn sự đồng hành, cống hiến của các thế hệ nhà khoa học, quản lý khoa học và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dẫn dắt từ buổi gặp mặt mạng lưới tri thức cách đây 62 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất và quay trở lại phục vụ nhân dân, phục vụ mục tiêu cao cả là xây dựng chủ nghĩa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Đây là kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển khoa học công nghệ là động lực phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
"Chúng ta có quyền tự hào về quá trình phát triển khoa học công nghệ, từ những sáng kiến phục vụ chiến trường đến những công trình xây dựng lớn. Những thành tựu đó là minh chứng cho sự sáng tạo của đội ngũ nhà khoa học của Việt Nam," ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Thế giới đang bước vào sự thay đổi sâu sắc với bước tiến công nghệ với AI, IOT, công nghệ xanh... Đây là thách thức và cũng là cơ hội để Việt Nam bắt nhịp với thế giới để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học là nền tảng để xây dựng Việt Nam thịnh vượng, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người dân.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định rõ: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, và tự chủ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một Việt Nam số an toàn, nhân văn, thịnh vượng; là công cụ chiến lược để nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutter Stock)
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược này, với vai trò là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc của toàn xã hội, cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đột phá.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cởi trói tối đa tiềm năng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn theo hướng đột phá, vượt trội, nhất là về cơ chế quản lý tổ chức, tài chính, nhân lực; mạnh dạn đề xuất các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Thể chế phải thực sự trở thành “cầu nối”, “đòn bẩy” để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi sâu, lan tỏa vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Tiếp theo cần đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng hiệu quả, gắn kết chặt chẽ khu vực công và tư nhân. Cần thực sự đưa doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo và xây dựng các trường đại học, viện nghiên cứu trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, tiên phong. Thúc đẩy liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường khoa học công nghệ. Xây dựng sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả.
Ngành khoa học và công nghệ cần tập trung đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu cơ bản và làm chủ các công nghệ chiến lược, nền tảng, công nghệ lõi. Nhà nước cần giữ vai trò "đầu tư mồi", dẫn dắt, tập trung xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng và lợi thế, cũng như các lĩnh vực công nghệ mới có ý nghĩa chiến lược quốc gia như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng mới. Hỗ trợ phát triển các nền tảng số "Make in Vietnam" mang tính quốc gia, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, cần có chính sách đột phá để thu hút, đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài khoa học công nghệ. Đây là nguồn lực quý giá nhất. Cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc thuận lợi, trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút chuyên gia quốc tế tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ trong nước.
Tiếp theo cần thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, là công cụ then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực triển khai các chương trình, đề án ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để giải quyết các bài toán lớn quốc gia, nâng cao năng lực quản trị, cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Cần đẩy mạnh ngoại giao khoa học, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tranh thủ tri thức, công nghệ tiên tiến của thế giới; tham gia tích cực vào các mạng lưới nghiên cứu toàn cầu; từng bước tham gia xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế. Ngoại giao khoa học phải là biểu hiện của một quốc gia biết lắng nghe bằng lý trí và đối thoại bằng tri thức, đưa khoa học Việt Nam ra thế giới và mang tri thức thế giới về Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Chương trình “Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5” năm 2025. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý cần tăng cường vai trò của Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng như ba trụ cột chiến lược. Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để phát triển hệ thống TĐC hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng không chỉ là công cụ quản lý mà phải là ngọn hải đăng dẫn dắt đổi mới sáng tạo.
Cuối cùng cần đẩy mạnh truyền thông, khơi dậy niềm đam mê khoa học, hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam phải thực sự trở thành ngày hội toàn dân, nơi mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều có thể đóng góp và thụ hưởng thành quả của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về vai trò, ý nghĩa của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tôn vinh các nhà khoa học, các sáng kiến, mô hình thành công, tạo động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Cuối bài phát biểu, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng chúng ta sẽ thắng lợi những mục tiêu chiến lược về đổi mới khoa học công nghệ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/pho-thu-tuong-chung-ta-co-quyen-tu-hao-ve-nhung-dong-gop-to-lon-cua-khoa-hoc-cong-nghe-post1038956.vnp