Tập trung 4 lĩnh vực ưu tiên
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Bình Dương, Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan liên quan để sự kiện quan trọng này được tổ chức chu đáo.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II được tổ chức tại Bình Dương.
Diễn đàn năm nay có chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động" rất phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của đất nước.
Phó thủ tướng cho biết, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược; vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức. Quan trọng là phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững. Việc lựa chọn các ngành: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và logistics trong các phiên chuyên đề của diễn đàn cho thấy tính lan tỏa sâu rộng của kinh tế số trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Thời gian qua, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số đạt được nhiều kết quả tích cực, lan tỏa sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa; tác động đến từng doanh nghiệp, từng người dân, làm thay đổi quan niệm kinh doanh, thói quen, hành vi tiêu dùng, sinh hoạt, học tập, làm việc; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt là, từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Đây là cơ hội lớn để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số vào tất cả các ngành, lĩnh vực; ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới hiện đại như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thực tế ảo, thực tế tăng cường nhằm thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. Phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội; xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng đề nghị cần tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên chính: Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo; quản trị số; phát triển dữ liệu số. Các bộ, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết là đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng ba lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và sẽ đạt 20% vào năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và sẽ đạt 20% vào năm 2025.
Theo Bộ trưởng, tư tưởng chính của diễn đàn năm nay tập trung vào hai định hướng là phát triển kinh tế số bằng thúc đẩy cả cung, cầu về kinh tế số, chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ, ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành, lĩnh vực.
Ông cho rằng, năng suất lao động luôn là chỉ tiêu mà nhiều năm, chúng ta chưa đạt được. Lời giải cho tăng năng suất lao động Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số toàn diện và toàn dân, phát triển kinh tế số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu giả thiết, nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam, mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc thì năng suất lao động Việt Nam chắc chắn sẽ tăng.
"Người Trung Đông nói, của cải là do thời gian nhân với trí tuệ. Nếu trí tuệ con người được tăng thêm sức mạnh bởi sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) thì của cải, cũng có nghĩa là năng suất lao động sẽ tăng lên đáng kể", ông Hùng nói.
Ngoài phiên toàn thể, diễn đàn còn có ba phiên chuyên đề về Thúc đẩy ứng dụng CNS trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị; Ứng dụng CNS - Lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Sáng tạo số, AI và dịch vụ (trong ảnh, Phó Thủ tướng chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu).
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương rất vinh dự khi được lựa chọn làm nơi đăng cai Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II. Đây là một sự kiện quốc gia mang ý nghĩa chiến lược, là dịp quan trọng để kết nối trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và xã hội số Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng toàn cầu.
Diễn đàn này cũng chính là cơ hội quý để các cơ quan Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, viện, trường của tỉnh Bình Dương gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia hàng đầu. Đây cũng là cơ hội trải nghiệm và cập nhật những công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực quản trị, quản lý vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản trị hoạt động của các doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Mai Huyên