Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Theo Phó Thủ tướng, Luật Ngân sách nhà nước sửa để giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thời hạn ngắn, còn trong nhiệm kỳ tới sẽ sửa Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Trước ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung sửa Luật Ngân sách nhà nước hiện nay có xung đột với Luật Đầu tư công hay không, vì đều là chi ngân sách, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Chính phủ đã bàn rất kỹ, những vấn đề của Luật Ngân sách nhà nước sửa lần này phù hợp với Luật Đầu tư công cũng đang được sửa.
Luật Đầu tư công ra đời để tránh vấn đề dàn trải và chính sách tài khóa bị phá vỡ. Luật Đầu tư công vừa hướng dẫn về trình tự, thủ tục về đầu tư, vừa hướng dẫn về các kế hoạch vốn đầu tư công.
“Quy định kế hoạch đầu tư công trung hạn được sửa lần này được xác định để cân đối tài khóa, không bị phá vỡ các tài khóa trong một nhiệm kỳ 5 năm, có nghĩa là không phải không có tiền vẫn làm, để xảy ra các vấn đề về nợ nần mà nhiệm kỳ sau phải chịu, tăng cường tính hiệu quả của các dự án đầu tư. Còn những khoản thu, hay nói cách khác khoản phát sinh trong năm ngân sách mà có được thì bố trí để chi vào những dự án, công trình cần thiết chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn”, Phó Thủ tướng nói.
Ông ví dụ, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, theo luật cũ, nếu không có trong trung hạn thì sẽ không làm được, giờ phải dùng nguồn dự phòng ngân sách hoặc nguồn tiết kiệm chi đầu tư để sớm hoàn thành công trình cho nhân dân đi lại. Đây là những vấn đề yêu cầu thực tiễn, vừa đảm bảo điều hành một cách bền vững chính sách tài khóa, vừa đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực ngân sách của nhà nước.
“Những suy nghĩ như trước đây cho rằng các khoản dự phòng ngân sách, giảm chi, tiết kiệm chi ngân sách và vượt thu ngân sách phải qua Quốc hội để đưa vào Luật Đầu tư công trung hạn, sau đấy mới phân bổ đầu tư công của từng năm đương nhiên sẽ trái với Luật Ngân sách”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phân tích, Luật Ngân sách quy định vấn đề vượt thu ngân sách và tiết kiệm chi là thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội; điều hành và dự phòng ngân sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Dự phòng ngân sách là để chi cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và bão lụt, vấn đề an ninh, quốc phòng và một số khoản chi đột xuất khác, số còn lại được đưa vào chi đầu tư công, thẩm quyền quy định rất rõ. Nếu đưa bổ sung vào vốn đầu tư trung hạn có nghĩa là ngân sách trong năm lại kéo dài đến cả một nhiệm kỳ. Cho nên, sẽ có xung đột. Vì vậy, dự luật đưa vào các quy định để có tính chất rõ ràng, minh bạch và có trách nhiệm một cách cụ thể, điều hành hiệu quả, thông thoáng hơn.
Về mức phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập (Luật Kiểm toán độc lập), Phó Thủ tướng nêu rõ, nếu vi phạm Bộ luật Hình sự đương nhiên phải bị khởi tố hình sự, còn chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng hành vi đó nguy hiểm hay tạo điều kiện để một số người, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục hành vi đó gây thiệt hại hoặc gây ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội thì phải phạt ở mức cao để có tính chất răn đe.
Liên quan đến Luật Chứng khoán, giải đáp băn khoăn của đại biểu về phát hành ra công chúng cần phải có tài sản đảm bảo hoặc có ngân hàng thương mại bảo lãnh, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay, ban đầu thiết kế luật, cơ quan soạn thảo đã đưa điều này vào, nhưng qua nhiều lần lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các bộ, ngành và Chính phủ đã họp tiếp thu theo hướng không quy định ngân hàng phải bảo lãnh hoặc phải có tài sản đảm bảo, vì nếu đưa điều này ra sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán hiện nay. Phải đánh giá theo đúng thông lệ quốc tế, đánh giá và xếp loại tín nhiệm để thực hiện việc phát hành ra công chúng.
Chu Thanh Vân (TTXVN)