Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Xuất nhập khẩu xô đổ mọi kỷ lục

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Xuất nhập khẩu xô đổ mọi kỷ lục
một ngày trướcBài gốc
Kinh tế Việt Nam tăng 2 bậc
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam được tổ chức hàng năm đã đóng góp nhiều sáng kiến để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thanh Tuấn
Nhìn lại kết quả đạt được năm vừa qua, Phó Thủ tướng đánh giá, cả nước đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội; GDP đạt 7,09% - là chỉ tiêu cao; quy mô kinh tế tăng 2 bậc đứng thứ 33 trên thế giới. “Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 800 tỷ USD, xuất siêu 24 tỷ UDS - con số xô đổ mọi kỷ lục”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Cùng đó, thu ngân sách vượt dự toán đặt ra.
Trong thời gian tới, Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp quý báu và thực chất của các doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý để đất nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thịnh vượng, hùng cường.
Phó Thủ tướng cũng thông tin, Chính phủ đang thực hiện 3 giải pháp hết sức quan trọng, đầu tiên là hoàn thiện pháp luật, thể chế - thời gian qua đã hoàn thiện 1 số luật như đầu tư công, quy hoạch… để tháo gỡ điểm nghẽn phát huy nguồn lực cho phát triển đất nước. Trong thời gian tới, hoàn thiện chính sách tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng để tạo bước đột phá phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ dồn nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2025, dự kiến đầu tư công sẽ dành khoảng 800 nghìn tỷ đồng cho triển khai các công trình trọng điểm như đường cao tốc, bến cảng, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc-Nam…
Toàn cảnh Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17. Ảnh: Thanh Tuấn
Cơ sở hạ tầng có thể được coi là yếu tố mới tăng trưởng cho nền kinh tế”, Phó Thủ tướng cho hay.
Thứ ba là giải pháp quan trọng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Phó Thủ tướng, trong 3 giải pháp, giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực là giải pháp rất quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, bền vững.
Tăng trưởng kinh tế cao đi đôi với ổn định xã hội
Tại Diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương một lần nữa nhắc lại kết quả tích cực cả nước đạt được trong năm 2024 và khẳng định đây là những kết quả rất quan trọng để chúng ta tiếp tục phát huy cho năm 2025.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng nêu những đề dẫn quan trọng làm tiền đề thảo luận cho các chuyên gia, doanh nghiệp.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Thanh Tuấn
Theo đó, các diễn giả tập trung đánh giá đâu là những động lực tạo nên kết quả nổi bật của năm 2024 khi mà khó khăn, thách thức được nhìn nhận còn nhiều hơn cả thời cơ, thuận lợi. Đâu là những điểm nghẽn và nguyên nhân chủ yếu vẫn đang cản trở phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Những bài học lớn có thể rút ra từ năm 2024 để tiếp tục phát huy, nhân rộng những bài học tốt và rút kinh nghiệm từ những bài học chưa thành công.
Chẳng hạn như bài học về việc thực hiện thành công dự án đường truyền tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) với thời gian chỉ sau hơn 6 tháng thi công”, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương ví dụ.
Về những giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế năm 2025, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các diễn giả tập trung bàn thảo một số vấn đề:
Yêu cầu trước tiên, trên hết là phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là cần lưu ý thực hiện những giải pháp chính sách gì để bảo đảm và củng cố nền tảng này trong năm 2025 nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế.
Giải pháp đột phá và cụ thể nào để tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Giải pháp để tháo gỡ nhanh và triệt để những điểm nghẽn đang tồn tại, đặc biệt là những điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó điểm nghẽn về thể chế đang được coi là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhằm làm mới, huy động và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực truyền thống như nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nhất là nguồn lực đất đai, nguồn tài nguyên và nguồn tài lực.
Giải pháp về thể chế và chính sách để kiến tạo phát triển, nhất là để phát huy được ở mức cao nhất các nguồn lực mới cho tăng trưởng như nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nguồn lực văn hóa, lịch sử, truyền thống; nguồn lực thương hiệu của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam...
Và cuối cùng là giải pháp cụ thể để đảm bảo sự phát triển bền vững về xã hội và môi trường trong điều kiện tăng trưởng cao?
Tăng trưởng cao đã khó nhưng đảm bảo được sự phát triển bền vững trong điều kiện tăng trưởng cao còn khó hơn nhiều. Đây thực sự là vấn đề rất khó, rất phức tạp những đây cũng là sự khác biệt và là bản sắc phát triển riêng có của Việt Nam”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Với xấp xỉ 800 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 đã xô đổ mọi kỷ lục, là nền tảng tốt cùng các ngành, lĩnh vực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số.
Hải Linh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-xuat-nhap-khau-xo-do-moi-ky-luc-368391.html