Chiều 6/2, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để đánh giá công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 và định hướng năm 2025.
Trình bày báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, trong năm 2025, công tác quản lý điều hành giá dự báo gặp một số thách thức, áp lực đến từ thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (giá nhiên liệu; giá vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm; giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý…) và một số yếu tố khác.
Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025, tổng hợp các thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động chủ yếu dến lạm phát năm 2025, Bộ Tài chính giả định biến động giá một số mặt hàng thiết yếu tác động đến CPI theo 3 kịch bản.
Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để đánh giá công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 và định hướng năm 2025.
Cụ thể, kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 3,83% so với năm 2024. Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024. Kịch bản 3, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,5% so với năm 2024.
Trên cơ sở các kịch bản trên, Bộ Tài chính xác định công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2025 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn.
Các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ động trong đề xuất các phương án điều hành, bình ổn giá, nhất là đối với các hàng hóa, tiêu dụng thiết yếu, các dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 tối thiểu phải đạt 8%, lượng tiền để cung vào nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2024, động lực tăng trưởng được khơi dậy, do vậy điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá, đặc biệt là giá tiêu dùng.
Trong ba kịch bản lạm phát năm 2025 được Bộ Tài chính đề xuất, Phó thủ tướng đề nghị chọn kịch bản thứ 2 (CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024) để quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện.
Trên tinh thần đó, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kịch bản điều hành giá của mặt hàng quản lý theo từng quý, gửi cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê để tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ các biện pháp điều hành khả thi nhất.
Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện ngay và nghiêm túc Luật Giá để giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh trường hợp thao túng giá, chiếm dụng, nâng giá.
"Cần phải thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết", nhấn mạnh điều này rất quan trọng, Phó thủ tướng dẫn chứng về câu chuyện bát phở lên đến 1 triệu đồng, hay những trường hợp bị tước giấy phép kinh doanh do có vi phạm về bán hàng, với yêu cầu phải làm nghiêm. Vấn đề không nằm ở chỗ đắt hay rẻ mà là phải công khai minh bạch về giá để khách hàng lựa chọn, có sự cạnh tranh lành mạnh. Không để xảy ra tình trạng người bán lợi dụng "bắt chẹt" khách hàng để lấy tiền.
Công khai giá, bán theo giá niêm yết chính là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và xác định hành vi bán hàng của người bán một cách minh bạch, khách quan, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến của thị trường trong nước và thế giới, nhất là diễn biến cung - cầu các loại hàng hóa chiến lược, thiết yếu đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân để xây dựng các kịch bản, giải pháp một cách linh hoạt để sẵn sàng ứng phó với những biến động. Trên cơ sở đó phải quản lý chặt chẽ, chủ động, đa dạng về nguồn cung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là đối với mặt hàng xăng, dầu, điện.
Với những mặt hàng do nhà nước quản lý, các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng các biện pháp điều hành giá theo lộ trình thị trường với mức độ và thời điểm phù hợp. Tinh thần là phải quản một cách chặt chẽ và điều hành theo đúng kịch bản.
Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp gắn kết sản xuất với phân phối, tiêu dùng, tạo vòng tròn trung chuyển; phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa một cách hợp lý, nhịp nhàng để thúc đẩy tăng trưởng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường theo quy định của pháp luật để có biện pháp điều hành kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến...
Hải Nam