Y tế Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật cao
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao kết quả mà ngành y tế đạt được trong năm 2024, cùng những giải pháp, đề xuất mạnh dạn. Đặc biệt, đạt và vượt toàn bộ 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao và vượt 8/9 chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị ngành y tế
Phó Thủ tướng ghi nhận ngành y tế đã có bước tiến vượt bậc về mặt thể chế, góp phần xử lý những điểm nghẽn, nhất là về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế... Luật Dược và Luật BHYT sửa đổi đã xử lý ngay những vấn đề bức xúc của ngành y tế như nới đấu thầu và quy định về giá.
“Đó là một quá trình nỗ lực của từng cán bộ ngành y, dù xã hội đòi hỏi nhiều hơn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Công tác ứng dụng CNTT trong ngành y tế có những bước tiến với việc kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế, sử dụng kết quả của nhau, tiết kiệm cho dân, cho nguồn lực chung của xã hội.
Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; làm chủ nhiều kỹ thuật cao, nhất là ghép tạng. “Ca ghép cùng lúc 2 tạng tim và gan trên một bệnh nhân, đòi hỏi kỹ thuật, sự khéo tay và đặc biệt là bác sĩ có tâm mới làm được” - Phó Thủ tướng đánh giá.
Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, tổ chức bộ máy y tế tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Mạng lưới cơ sở đào tạo y tế tiếp tục phát triển, cả công lập và ngoài công lập. Cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sỹ.
Việc kết nối cơ sở dữ liệu, liên thông dữ liệu trong giải quyết các thủ tục hành chính về y tế được đẩy mạnh, các nền tảng chuyển đổi số được quan tâm đầu tư như hồ sơ sức khỏe điện tử; quản lý tiêm chủng; khám, chữa bệnh từ xa....
Sớm trình ban hành quy định về cơ sở dữ liệu ngành y tế
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long mặc dù đã cố gắng nhưng một số hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành y tế còn chậm, ảnh hưởng đến người dân và Chính phủ phải đứng ra giải quyết.
Một số vùng, người dân tiếp cận y tế còn khó, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt yêu cầu. Một số tồn đọng lũy kế qua các thời kỳ chưa giải quyết được, trong đó, tồn đọng trong cấp phép có thể cần biện pháp giải quyết cấp bách. Tỉ lệ trực tuyến, số hóa hồ sơ còn thấp.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế trong thời gian tới tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng; triển khai hiệu quả chủ trương về dân số phát triển, bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế; chủ động thích ứng với già hóa dân số.
Bộ Y tế cũng cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Bảo đảm đủ vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%; số lượng loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế, trong đó, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Tích cực thực hiện chuyển đổi số ngành y tế. Sớm trình ban hành quy định về cơ sở dữ liệu ngành y tế; triển khai sổ sức khỏe điện tử, khám chữa bệnh từ xa; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc, bán thuốc theo đơn, quản lý an toàn thực phẩm...", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Thanh Hằng