Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Trung học phổ thông Thăng Long. Ảnh: MOET
Cách đây gần 100 năm, trường tư thục Thăng Long do nhà giáo Hoàng Minh Giám thành lập, ban đầu chỉ có cấp tiểu học, đến năm 1954 được chia thành 3 cấp học. Năm 1965, Trường phổ thông cấp 3 Thăng Long (tiền thân của Trường Trung học phổ thông Thăng Long hiện nay) chính thức ra đời.
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, với nhiều thành tích xuất sắc đạt được, Trường Trung học phổ thông Thăng Long và nhiều thầy giáo, cô giáo của trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú"; Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến và những thành tích xuất sắc mà các thế hệ thầy và trò Trường Trung học phổ thông Thăng Long đạt được trong 60 năm qua, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục của Thủ đô và của cả nước.
Trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với những khát vọng lớn lao, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đội ngũ giáo viên Trường Trung học phổ thông Thăng Long tiếp tục nỗ lực, cố gắng, triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: MOET
Trong đó, nhà trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, không chỉ "dạy chữ" mà còn "dạy người", giúp học sinh phát triển toàn diện, hài hòa; đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực tự học, tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng trong môi trường số và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn; tiếp tục giữ vững và nâng cao thành tích tại các kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, khu vực và quốc tế; thúc đẩy phong trào "học tập số".
Cùng với đó, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, kỹ năng sống, ý thức công dân, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho học sinh.quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ nhà giáo.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn vững vàng và tư duy đổi mới. Đổi mới công tác quản lý nhà trường theo hướng hiện đại, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả.
Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế; chủ động kết nối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao, các tổ chức khoa học - công nghệ, khối doanh nghiệp để mở rộng không gian sáng tạo, phát triển các chương trình trải nghiệm, hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp cho học sinh.
Đồng thời, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng, bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ. Củng cố mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường - gia đình - xã hội, huy động sự đồng hành và nguồn lực cộng đồng để cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo