Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công tại 5 địa phương Đông Nam Bộ

Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công tại 5 địa phương Đông Nam Bộ
3 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, các địa phương tập trung rà soát, phân loại, đánh giá sát hơn các khó khăn, vướng mắc trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của mình thì quyết liệt khắc phục - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Trước đó, vào chiều 16/10, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã làm việc với tỉnh Bình Phước, địa phương có tỉ lệ giải ngân còn thấp (32,27%).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với Bình Phước, TPHCM và Đồng Nai có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước (47,29%), tính đến hết tháng 9/2024.
3 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước là Bà Rịa-Vũng Tàu (93,75%), Tây Ninh (56,87%), Bình Dương (49,95%).
Kiên trì mục tiêu giải ngân 95%
Báo cáo tổng hợp tình hình giải ngân của các địa phương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 23 khó khăn, vướng mắc chia làm 5 nhóm nội dung về: Quy định của pháp luật đầu tư công; công tác chuẩn bị đầu tư; khó khăn vướng mắc trong thực hiện dự án (gồm điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn vật liệu xây dựng…); vướng mắc khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các vướng mắc khác.
Nói về nguyên nhân chậm giải ngân, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, là do đặc thù của Thành phố có nguồn vốn lớn và chậm bố trí nguồn vốn trong trung hạn nên công tác chuẩn bị đầu tư chậm.
Hiện TPHCM còn 63.000 tỷ đồng vốn đầu tư cần giải ngân từ nay đến cuối năm, trong đó nằm ở khâu giải phóng mặt bằng khoảng 30.000 tỷ đồng.
Nêu các giải pháp để giải ngân gần 63.000 tỷ đồng còn lại, người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết, Thành phố đã chia thành các nhóm để giải quyết.
Trong đó, với nhóm dành cho giải phóng mặt bằng khoảng 30.000 tỷ đồng, qua rà soát thì khả năng Thành phố sẽ giải ngân được trên 28.000 tỷ đồng, nằm ở 3 dự án lớn là dự án rạch Xuyên Tâm với 13.245 tỷ đồng, dự án Bờ Bắc-kênh Đôi với 5.465 tỷ đồng và dự án đường Vành đai 2 là 7.567 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, cho đến giờ này, TPHCM vẫn kiên trì chỉ tiêu là giải ngân 95% mặc dù phải tính từng ngày để có thể đạt được mục tiêu đó. Chủ tịch UBND TPHCM cũng cam kết bảo đảm tiến độ giải ngân dự án đường Vành đai 3.
Đại diện các bộ, ngành chia sẻ kinh nghiệm để bảo đảm tiến độ và tỉ lệ giải ngân đầu tư công - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Theo tỉnh Bình Dương, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án kéo dài, phức tạp, chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế. Công tác phối hợp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị chủ đầu tư có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình.
Tỉnh Đồng Nai đang triển khai thực hiện 2 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BT. Nhà đầu tư kiến nghị xử lý vướng mắc liên quan đến việc thanh toán quỹ đất vượt quá thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai. Do chưa có quy định, hướng dẫn về thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT, nên chưa có căn cứ để thanh toán.
Tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2024 có nhiều dự án lớn khởi công mới, đang thực hiện thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự kiến đến quý III mới tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công các gói thầu xây dựng, dẫn đến việc giải ngân của các dự án trọng điểm sẽ dồn vào cuối năm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Theo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chất lượng chuẩn bị dự án chưa cao, khiến nhiều dự án chậm trình duyệt, hoặc đã được duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng phải điều chỉnh đơn giá, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân chậm giải ngân vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương còn bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân tốt, nhưng vẫn có bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Đại diện các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị những việc cần làm để bảo đảm tiến độ và tỉ lệ giải ngân đầu tư công - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đã nêu trúng vấn đề, thẳng thắn.
Nhấn mạnh vai trò của công tác giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng rất khả quan. Nếu tình hình suôn sẻ thì khả năng vượt các chỉ tiêu tương đối tốt. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công là hết sức quan trọng, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Và công tác này nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Với ý nghĩa đó, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo thúc đẩy giải ngân với nhiều biện pháp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập 7 tổ công tác của Chính phủ. Tại nhiều cuộc họp, sự kiện khác nhau, Thủ tướng Chính phủ đều đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng ghi nhận cố gắng của các địa phương, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương tại cuộc họp hôm nay gặp phải. Đây cũng là khó khăn chung của các địa phương trên cả nước. Đó là khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, về giải phóng mặt bằng; việc tổ chức thực hiện chưa tốt nên kéo dài thờ gian thực hiện dự án, vấn đề về thủ tục thanh toán, khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, điều chỉnh quy hoạch… Đơn cử, một số tỉnh như Bình Phước, Đắk Nông gặp vướng về luật khoáng sản khi dự án giao thông nằm trong quy hoạch bauxite.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, tỉ lệ giải ngân của 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ (thuộc diện kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 3) còn thấp, tính chung mới đạt 35,46%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (47,29%).
Do đó, các địa phương phải quyết tâm hơn, bám sát các giải pháp để triển khai tốt hơn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý tăng cường công tác phối hợp, năng lực điều phối cũng như trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện những quyền được phân cấp - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, các địa phương tập trung rà soát, phân loại, đánh giá sát hơn các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của mình thì quyết liệt khắc phục.
Qua phân tích của các tỉnh thì có cơ sở khẳng định một số nguồn vốn có thể giải ngân được từ nay đến cuối năm. Phó Thủ tướng cũng lưu ý tăng cường công tác phối hợp, năng lực điều phối cũng như trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện những quyền được phân cấp.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phân loại các khó khăn, vướng mắc để xem những gì thuộc thẩm quyền của bộ, ngành có thể xử lý được ngay, những vấn đề gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ như, hiện Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công và Nghị định hướng dẫn Luật, trong đó, tháo gỡ hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để xử lý một số dự án tồn đọng có tính chất đặc thù; rà soát các dự án nếu đủ thủ tục, bảo đảm tính khả thi nhưng thiếu vốn thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Đức Tuân
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/pho-thu-tuong-le-thanh-long-kiem-tra-don-doc-giai-ngan-dau-tu-cong-tai-5-dia-phuong-dong-nam-bo-102241017133143994.htm