Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Tăng trưởng hai con số là con đường duy nhất để hóa giải nguy cơ tụt hậu

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Tăng trưởng hai con số là con đường duy nhất để hóa giải nguy cơ tụt hậu
12 giờ trướcBài gốc
Yêu cầu cấp thiết về tăng trưởng cao
Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10% trở lên để tạo ra cú hích bứt phá về quy mô, chất lượng và vị thế trên trường quốc tế.
Tại diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 chiều ngày 8/7 ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây không chỉ là tham vọng mà còn là đòi hỏi thực tiễn, đồng thời vạch ra 7 nhóm giải pháp chiến lược để hiện thực hóa khát vọng này.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong giai đoạn tới là một bài toán đầy thách thức nhưng mang ý nghĩa sống còn. Đó là con đường duy nhất để thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển, hóa giải nguy cơ tụt hậu, tăng cường năng lực nội sinh và xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để đạt mục tiêu của Đại hội XIII đề ra, không có con đường nào khác ngoài việc phải tăng trưởng nhanh hơn.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để vượt bẫy thu nhập trung bình, các quốc gia phải duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian dài, từ 15-30 năm. Trung Quốc đã làm điều này trong 34 năm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng hai con số không chỉ là tham vọng mà còn là đòi hỏi thực tiễn.
Trong 20 năm qua, tăng trưởng trung bình của Việt Nam chỉ đạt 6,4%. Nếu không có sức bật và bước đi đột phá, chúng ta sẽ không thể bắt kịp. Mục tiêu tăng trưởng cao đã được kiên định và sẽ tiếp tục giữ vững tại Đại hội XIV sắp tới. Trước mắt, để tạo tiền đề, năm 2025 Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng trên 8%.
Tín hiệu tích cực là 6 tháng đầu năm, kinh tế đã tăng trưởng 7,52% - mức cao nhất trong 15 năm qua, đi ngược lại xu hướng khó khăn chung của thế giới. Điều này cho thấy đường lối của Việt Nam đang đi đúng hướng.
7 giải pháp trọng tâm
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, khát vọng tăng trưởng cao của Việt Nam được đặt trong bối cảnh thế giới đầy biến động với 5 thách thức chính. Đó là sự bất định gia tăng từ biến động địa chính trị. Xu hướng phân tách, phân mảnh kinh tế toàn cầu. Sự suy giảm niềm tin và vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt.
Để hóa giải những thách thức, làm mới các động lực nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn trong giai đoạn tới, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế một cách mạnh mẽ, sâu rộng. Đây là ưu tiên hàng đầu, là “chìa khóa” để khơi thông mọi nguồn lực. Trọng tâm là tháo gỡ các "nút nghẽn" tại 3 bộ luật quan trọng: Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản. Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội tới đây dự kiến sẽ tiếp tục sửa đổi khoảng 30 luật khác.
Thứ 2, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc cho 2.887 dự án đang bị đình trệ, khơi thông nguồn vốn khổng lồ khoảng 235 tỷ USD và quỹ đất 347.000ha đang bị “đóng băng”. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân, coi đây là động lực quan trọng, thể hiện qua con số kỷ lục 24.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2025 sau khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được ban hành.
Thứ 3, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Tập trung hoàn thành và mở rộng toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam, khởi công sớm đường sắt tốc độ cao, và phát triển các hệ thống sân bay, cảng biển, tuyến kết nối liên vùng. An ninh năng lượng cũng được chú trọng với việc đa dạng hóa các nguồn điện, ưu tiên năng lượng sạch.
Thứ 4, tận dụng không gian và động lực tăng trưởng mới. Khai thác tối đa tiềm năng từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đặc biệt là các ngành chiến lược như công nghiệp bán dẫn, AI, công nghệ lượng tử. Song song đó, phát triển các mô hình kinh tế mới như khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh.
Thứ 5, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố then chốt cho các động lực tăng trưởng mới. Việt Nam đang triển khai chiến lược đào tạo 100.000 kỹ sư chất lượng cao cho ngành bán dẫn và AI, trong đó có 10.000 kỹ sư chuyên sâu về AI, để đón đầu xu hướng công nghệ toàn cầu.
Thứ 6, hỗ trợ và phát triển hài hòa các thành phần kinh tế. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả 3 khu vực: kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Xây dựng hệ sinh thái để các doanh nghiệp lớn dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ 7, thu hút đầu tư vào các ngành chiến lược và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Triển khai hiệu quả danh mục 11 nhóm ngành công nghệ chiến lược với 32 sản phẩm ưu tiên. Chính phủ cũng đang xây dựng đề án thu hút 100 nhà khoa học hàng đầu ở nước ngoài về nước làm việc, đóng góp cho các lĩnh vực chiến lược quốc gia.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi sự chung tay, đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị thiết thực từ cộng đồng doanh nghiệp để cùng Chính phủ hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.
Nguyệt Minh
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/canh-tranh/pho-thu-tuong-nguyen-chi-dung-tang-truong-hai-con-so-la-con-duong-duy-nhat-de-hoa-giai-nguy-co-tut-hau/20250708040911304