Nội dung trên được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề cập khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ, sáng 21/12.
Dành nhiều thời gian đề cập đến vấn đề sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, ông cùng với lãnh đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan tham mưu đã họp nhiều cuộc về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình.
"Hôm nay chúng tôi phải "nộp bài" cho Bộ Chính trị để Bộ Chính trị thông qua chế độ, chính sách khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Không biết ngày mai, ngày mốt Bộ Chính trị thông qua như thế nào nhưng về mặt cá nhân tôi thấy rất ổn, rất yên tâm, đảm bảo mặc dù bình diện số lượng người bị ảnh hưởng khá đông, có lẽ là đông nhất từ trước đến nay, khoảng 100.000 người", ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Ông cho rằng nếu như đề xuất của Bộ Nội vụ được chấp nhận thì đây là một chính sách đặc thù vượt trội, mạnh mẽ.
Một vấn đề được Phó Thủ tướng Thường trực nêu cho Bộ Nội vụ nghiên cứu là phải thu hút, giữ chân, đào tạo được người tài, cùng với đó là đánh giá, sử dụng cán bộ.
Bởi bộ máy có tinh gọn, khoa học, hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy phải do con người quyết định.
"Hai vụ, hai phòng nhập lại, nếu hai trưởng phòng dở thì có khi nó dở. Một anh dở, một anh giỏi thì có khi một phòng thạo thôi, nhập lại để anh dở làm lãnh đạo cả hai phòng thì dở hơn. Việc đánh giá và sử dụng đúng cán bộ thì Đảng, Nhà nước và Nhân dân vẫn đang trông cậy ngành Nội vụ có điểm gì đó đột phá", Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Đề cập đến nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW đang được thực hiện rất khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm và là trách nhiệm của tất cả các ban, bộ, ngành, địa phương. Trong cuộc họp ngày 20/12, Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan Đảng hoàn thành việc sắp xếp bộ máy đúng thời hạn, trước ngày 10/2/2025.
"Các cơ quan Đảng gương mẫu làm trước, nhập cái nọ, nhập cái kia. Hệ thống tạp chí của Đảng, một số tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị thì tuần sau Bộ Chính trị kết luận ngay và triển khai ngay. Hạn cuối cùng 10/2/2025 phải xong. Anh nào làm trước thì hoan nghênh", ông Nguyễn Hòa Bình thông tin.
Đối với cơ quan Nhà nước, theo Phó Thủ tướng Thường trực, liên quan đến Quốc hội, liên quan đến luật thì phải thực hiện theo quy trình.
Ông Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận, liên quan đến tinh gọn bộ máy thì dư luận quan tâm đến việc "bộ nọ nhập với bộ kia", nhưng một vấn đề đặc biệt quan trọng là tất cả các bộ ngành và địa phương phải tinh gọn bên trong tổ chức với mục tiêu tối thiểu giảm 15-20%, cá biệt có những đơn vị đặt ra yêu cầu 40%.
"Ví dụ như vụ nghiên cứu về châu Âu, vụ nghiên cứu về châu Á, vụ nghiên cứu về châu Mỹ... thì ta làm luôn cái vụ nghiên cứu về quốc tế. Hay viện nghiên cứu về chiến lược, viện nghiên cứu về kinh tế, viện nghiên cứu về quản lý kinh tế... thì làm thành viện nghiên cứu kinh tế", Phó Thủ tướng Thường trực dẫn thực tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành và địa phương chủ động nêu phương án tinh gọn bộ máy bên trong của các cơ quan, tổ chức.
Về phía Bộ Nội vụ trong việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng cơ quan này có 4 nhiệm vụ rất quan trọng.
Trước tiên là làm ra mô hình bộ máy tinh gọn và hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, công việc này đang làm, sự hợp nhất của các cơ quan Trung ương sẽ là cơ sở để địa phương thực hiện.
Nhiệm vụ thứ hai của Bộ Nội vụ là hình thành cơ chế, chính sách đủ mạnh, đủ ưu đãi để khuyến khích người tài, hỗ trợ cho người lao động.
Nhiệm vụ thứ ba được lãnh đạo Chính phủ nhắc đến là hình thành hạ tầng pháp lý cho bộ máy hoạt động: Nghị quyết của Quốc hội; Nghị định của Chính phủ; chức năng, nhiệm vụ, quy chế...
Và nhiệm vụ thứ tư của Bộ Nội vụ là hướng dẫn cho các địa phương thực hiện mô hình này.
"Làm nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học. Chúng ta đổi mới, sáng tạo để tiến lên phía trước nhưng phải rất bình tĩnh đề phòng các rủi ro như sáp nhập cơ học, không hợp lý. Vừa làm, vừa thăm dò, điều chỉnh chứ không thể ngay một lúc hoàn hảo được, nhưng rủi ro phải ở mức thấp nhất", Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Nhắc lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm: "Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém", Phó Thủ tướng Thường trực khuyến cáo "không khéo người tài xin nghỉ, người dở ở lại".
"Làm sao chúng ta kết hợp tinh gọn ngay và xốc lại đội hình, lựa chọn tinh hoa trong bộ máy hành chính công. Cần những người thật sự tâm huyết, có đóng góp, có kinh nghiệm, có bản lĩnh. Bài toán rất khó nhưng phải cố gắng làm", Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Một lưu ý nữa được lãnh đạo Chính phủ đề ra đối với các bộ ngành là nền hành chính công, nhiệm vụ chính trị, bộ máy vẫn được vận hành, đảm bảo phục vụ Nhân dân.
Anh Văn