Ngày 21-5, tại TP Đà Lạt, ông Nguyễn Hòa Bình, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã làm việc với BTV Tỉnh ủy 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của BCHTW khóa XIII gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với BTV Tỉnh ủy 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận. Ảnh: VT
Theo báo cáo của 3 tỉnh thì đến nay, UBND 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận đã phối hợp trình Chính phủ xem xét, để trình Quốc hội về hợp nhất 03 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông; trình Chính phủ xem xét, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định số lượng đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lâm Đồng mới.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê K'đăm báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VT
Dự kiến tổng số đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lâm Đồng mới là 124 xã, phường mới; trong đó, tỉnh Lâm Đồng từ 137 xã, phường, thị trấn giảm xuống còn 51 xã, phường mới, tỉnh Bình Thuận từ 121 xã, phường, thị trấn xuống còn 45 xã, phường mới và tỉnh Đắk Nông từ 71 xã, phường, thị trấn xuống còn 28 xã, phường mới.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VT
Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Bình Thuận, tỉnh Đắk Nông để triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh; triển khai lấy ý kiến cử tri đảm bảo theo quy định.
HĐND 3 tỉnh cũng đã thông qua chủ trương đối với Đề án và đến nay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 09/5/2025 về hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười. Ảnh: VT
Ngoài ra, đến nay, 15/15 sở, ban, ngành thuộc tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông hoàn thành việc xây dựng Đề án sáp nhập các sở, ban, ngành của 03 tỉnh.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tương ứng thuộc tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông xây dựng phương án bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông và tại Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới, bảo đảm tính liên tục trong công tác quản lý nhà nước và giảm bớt khó khăn việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn đầu sáp nhập; hoàn thành song song với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Ban Thường vụ 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình thuận trong thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của BCHTW khóa XIII gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự, đặc biệt là việc khẩn trương thực hiện công tác sáp nhập 3 tỉnh, bỏ cấp huyện thời gian qua.
Với khối lượng công việc rất lớn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng lãnh đạo 3 địa phương đã bám sát các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong việc chủ động triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, các văn kiện, bố trí nhân sự hết sức khẩn trương. Trong đó, các đồng chí Thường trực, Thường vụ 3 tỉnh có sự đồng thuận cao trong công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, người dân 3 tỉnh theo báo cáo có tỷ lệ đồng thuận gần 100% trong công tác sáp nhập, bỏ đơn vị cấp huyện là việc rất đáng mừng, chứng tỏ Nhân dân đồng tình trong thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Những thách thức lớn như tỉnh sáp nhập rộng nhất cả nước, khoảng cách di chuyển tới trung tâm hành chính xa, công tác nhân sự... lãnh đạo Chính phủ chia sẻ với các địa phương. Tuy nhiên, đây là tình hình chung trong công tác sáp nhập trên cả nước nên lãnh đạo các địa phương phải cố gắng, nỗ lực khắc phục.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: VT
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng yêu cầu lãnh đạo 3 tỉnh tiếp tục đoàn kết, gắn kết cao trong củng cố, triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Trong đó ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chế độ chính sách, bố trí cán bộ cấp xã, cấp tỉnh sau sáp nhập phải công tâm, minh bạch. Thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời bám sát các quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ trong công tác nhân sự.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý quá trình sáp nhập 3 tỉnh, lãnh đạo địa phương phải tính toán hợp lý các phương án, làm sao đảm bảo các thủ tục hành chính dịch vụ công tại các địa phương phải đảm bảo phục vụ người dân thuận lợi, thuận tiện nhất. Các dự án tồn đọng phải tập trung tháo gỡ, cũng như các giải pháp phải được thực hiện quyết liệt trong thời gian này.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần quan tâm những chủ trương lớn của Đảng, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, phát triển khoa học công nghệ.
Liên quan tới các dự án đầu tư công khi bỏ cấp huyện, mỗi tỉnh có khoảng 200 dự án, con số rất lớn. Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị lãnh đạo các địa phương phải tính toán duy trì, vận dụng hợp lý Ban quản lý dự án các huyện sáp nhập trực thuộc đơn vị nào cấp tỉnh, phải thực hiện vận hành đảm bảo liên tục, không để ngắt quãng, đứt gãy quá trình thực hiện các dự án an sinh xã hội, nâng cấp hạ tầng, nông thôn mới.
PHƯƠNG NAM - VÕ TÙNG