Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với Bộ Nội vụ về rà soát, xây dựng Nghị định về phân cấp, phân quyền

Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với Bộ Nội vụ về rà soát, xây dựng Nghị định về phân cấp, phân quyền
4 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh Bộ Nội vụ đã có sự chuẩn bị chu đáo 2 dự thảo nghị định thuộc lĩnh vực của ngành - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quán triệt nguyên tắc về rà soát thực hiện phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; các nguyên tắc tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ nhận thức sâu sắc và xác định rõ chức năng nhiệm vụ của Bộ là tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, bảo đảm thực hiện đúng phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Trên cơ sở yêu cầu tại Quyết định số 758/QĐ-TTg, Kế hoạch số 447/KH-CP của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã rà soát luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ để xây dựng 2 dự thảo Nghị định là: Dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nội vụ theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và dự thảo Nghị định về phân cấp, phân quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nội vụ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, qua rà soát, có 206 nhiệm vụ, thẩm quyền được đề xuất để phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương 2 cấp và thực hiện phân cấp, phân quyền thuộc lĩnh vực nội vụ.
Trong đó, có 161/206 nhiệm vụ, thẩm quyền đề xuất thực hiện phân định thẩm quyền; có 45/206 nhiệm vụ, thẩm quyền đề xuất thực hiện phân cấp, phân quyền.
Cụ thể, về phân định thẩm quyền, có 161 nội dung, nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong đó tổng nhiệm vụ, thẩm quyền chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã là 129, tổng nhiệm vụ, thẩm quyền chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh là 32.
Trên cơ sở nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, Bộ Nội vụ đã dự thảo 2 Nghị định, bảo đảm rõ chủ thể, rõ nội dung, phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục thực hiện.
Theo đó, Nghị định về phân định thẩm quyền đã chuyển 161 nhiệm vụ, thẩm quyền được điều chỉnh nhiệm vụ, thẩm quyền từ Ủy ban nhân dân huyện/Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về Ủy ban nhân dân xã/Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Nghị định về phân cấp, phân quyền đã điều chỉnh thẩm quyền, phân quyền, phân cấp 45 nhiệm vụ, quyền hạn từ Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với Bộ Nội vụ về rà soát, xây dựng Nghị định về phân cấp, phân quyền - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Về cơ bản, các nhiệm vụ, thẩm quyền đã được rà soát kỹ lưỡng, bao quát, liên thông, đầy đủ và rõ chủ thể, rõ trình tự, thủ tục về phân định thẩm quyền khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, tối đa trong lĩnh vực nội vụ cho chính quyền địa phương.
"Việc thực hiện phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực nội vụ đã được tiến hành từ giai đoạn 2021 đến nay và đạt được kết quả tích cực (đã có 255 nhiệm vụ, thẩm quyền đã được phân cấp cho chính quyền địa phương). Hiện nay, khi tiếp tục thực hiện rà soát, phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền đã bảo đảm toàn diện, triệt để trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ; khối lượng đề xuất phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền sau rà soát đã bảo đảm đa số nhiệm vụ, thẩm quyền được chuyển về chính quyền địa phương cấp xã, một số nhiệm vụ, thẩm quyền được chuyển về chính quyền địa phương cấp tỉnh phù hợp năng lực, điều kiện của địa phương", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định và cho biết hiện Bộ đang ưu tiên và tập trung cao độ trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định về phân định thẩm quyền nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương 2 cấp và phân cấp, phân quyền bảo đảm đúng tiến độ theo chỉ đạo.
Đồng thời khẩn trương tham mưu ban hành các nghị định để cụ thể hóa các Luật: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Việc làm, Luật Cán bộ, công chức và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2023/NĐ-CP,…
Cơ bản thống nhất với nội dung các dự thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 47-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương, Kế hoạch số 447/KH-CP của Chính phủ, Kết luận của Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ làm việc với các bộ về ban hành các nghị định theo kế hoạch của Chính phủ.
Theo thống kê, có khoảng 20 nghị định cần ban hành và theo lộ trình, các nghị định này phải ban hành ngay sau khi Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV kết thúc để ngày 1/7 vận hành bộ máy chính quyền mới. Để bảo đảm tiến độ công việc, Bộ Chính trị yêu cầu ngày 1/6 phải xong các dự thảo nghị định.
Hoan nghênh Bộ Nội vụ đã có sự chuẩn bị chu đáo 2 dự thảo nghị định thuộc lĩnh vực của ngành, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã định hướng, cho ý kiến chỉ đạo đối với các nội dung cụ thể của 2 dự thảo Nghị định; những nội dung công việc trọng tâm cần tiếp tục tập trung thực hiện trong rà soát, phân cấp, phân quyền; các quy định liên quan đến việc bố trí, cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện; cách thức, thời gian lấy ý kiến các địa phương, các thành viên Chính phủ phủ trong hoàn thiện dự thảo các Nghị định;…
Nguyễn Hoàng
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/pho-thu-tuong-thuong-truc-lam-viec-voi-bo-noi-vu-ve-ra-soat-xay-dung-nghi-dinh-ve-phan-cap-phan-quyen-102250519164223145.htm