Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng
2 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với TP Hải Phòng.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, kinh tế-xã hội của Hải Phòng trong 9 tháng năm 2024 tiếp tục ổn định và phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt 9,77%, đứng thứ 8 cả nước, gấp 1,43 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (6,82%).
Mức tăng trưởng của Hải Phòng có dấu hiệu chậm lại, đây là mức tăng 9 tháng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và chỉ đạt dưới 2 con số. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 14%, cao hơn cùng kỳ 9 tháng hai năm trở lại đây và gấp 1,6 lần chỉ số IIP của cả nước (8,6%). Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 26 tỷ USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 1,78 tỷ USD, đạt 89% kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng đạt trên 87.800 tỷ đồng, tăng trên 34% so với cùng kỳ; bằng khoảng 90% dự toán Trung ương giao.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30/9, Hải Phòng đã giải ngân gần 8.900 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xếp thứ 27 toàn quốc; đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đây là mức thấp so với các năm trước, là một khó khăn khi phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng báo cáo tại buổi làm việc.
Về tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng, TP Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp đã được thành lập với diện tích gần 6.102 ha; tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 65%, tỷ suất đầu tư đạt khoảng 12 triệu USD/ha. Năm 2024, TP tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 13 dự án giao thông trọng điểm kết nối liên tỉnh, liên vùng. TP Tập trung phối hợp, phấn đấu khởi công các dự án lớn, trọng điểm để mở rộng không gian đô thị về khu vực Bắc sông Cấm và thành lập khu kinh tế thứ hai phía Nam TP.
Đối với công tác xây dựng nhà ở xã hội, hiện nay, Hải Phòng có 9 dự án nhà ở xã hội đã khởi công xây dựng với tổng quy mô khoảng 15.000 căn. Đến năm 2025, dự kiến có 20.800 căn nhà ở xã hội. Như vậy, đến năm 2025, TP dự kiến vượt chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 Chính phủ giao cho TP.
Báo cáo công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão. Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, Hải Phòng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 với mức độ thiệt hại lớn. Cụ thể, có 2 người tử vong, 75 người bị thương, 1 chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão. Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 13.000 tỷ đồng. TP dự kiến dành trên 1.200 tỷ đồng từ các nguồn dự phòng ngân sách, cắt giảm chi thường xuyên và chi đầu tư công, quỹ dự trữ tài chính để khắc phục các thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Đặc biệt, sau cơn bão số 3, các chung cư cũ trên địa bàn TP có tình trạng xuống cấp trầm trọng. TP phấn đấu di chuyển khoảng 3.000 hộ ở trên 40 chung cư xuống cấp và nguy hiểm, đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng của TP trong thời gian tới. TP cũng đang xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ này di dời.
Về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay, Hải Phòng đã có 7 huyện được Thủ tướng công nhận là huyện nông thôn mới, 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hết năm 2025, TP sẽ cơ bản hoàn thành 100% Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Hải Phòng cần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng vượt trội hơn
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, siêu bão số 3 đã gây hậu quả rất lớn về người và tài sản. Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ đến nay đã vượt 81.000 tỷ đồng, trong đó riêng Hải Phòng thiệt hại hơn 13.000 tỷ đồng. Phó Thủ tướng ghi nhận TP đã kịp thời ứng phó, di dời dân ở các chung cư nguy hiểm. Sau bão, Hải Phòng đã huy động các lực lượng để khắc phục hậu quả. Chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống điện, nước, viễn thông đã cơ bản được khôi phục, các tuyến giao thông chính đã thông suốt, giúp thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Phó Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ, các chủ trương hỗ trợ sản xuất kinh doanh sau bão, dành nguồn lực đáng kể để cho vay ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi nhanh sau bão. Đặc biệt biểu dương nghĩa cử cao đẹp của TP khi không nhận phần hỗ trợ của Trung ương đối với các địa phương có thiệt hại do bão số 3, nhường phần hỗ trợ này cho các địa phương khác.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đánh giá tích cực các kết quả của Hải Phòng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nông thôn mới và phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hải Phòng tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và khắc phục khó khăn thu ngân sách; cần đặt và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng vượt trội hơn, qua đó góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đi kiểm tra tình trạng xuống cấp của Khu tập thể 3 tầng An Dương, quận Lê Chân.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã thực địa kiểm tra tại khu vực cầu Văn Úc thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP Hải Phòng và 9km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình; nghe lãnh đạo TP Hải Phòng báo cáo về Đề án Khu kinh tế phía Nam TP và quá trình Điều chỉnh dự án Trung tâm Hội nghị, Thương mại và Du lịch quốc tế (gắn với kinh doanh Casino) tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực đi kiểm tra tình trạng xuống cấp của Khu tập thể 3 tầng An Dương (cấp D) và thăm hỏi, động viên bà con, nhân dân phường An Dương, quận Lê Chân.
Nguyên An
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/pho-thu-tuong-thuong-truc-nguyen-hoa-binh-lam-viec-voi-lanh-dao-tp-hai-phong-post527954.html