Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Bắc Ninh.
Tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ tỉnh đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh gồm 16 đại biểu; chỉ định Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội khóa XV Phạm Văn Thịnh giữ chức vụ Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh.
Cử tri bày tỏ nhiều kỳ vọng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp sẽ hoạt động hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả. Cử tri nêu những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất những kiến nghị để bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả.
Theo cử tri Thân Văn Nghiệp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Bắc Ninh, để triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật, nhất là Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, đề nghị Trung ương, các cấp, các ngành có liên quan cần có các văn bản hướng dẫn chi tiết nhằm cụ thể hóa quyền hạn và trách nhiệm, tránh chồng chéo hoặc thiếu sót trong quản lý.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tiếp xúc cử tri.
Cử tri Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Kinh Bắc kiến nghị, Chính phủ, UBND tỉnh sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức để thích ứng với chức năng, nhiệm vụ mới; bố trí kinh phí, sửa chữa trụ sở cơ quan làm việc; xem xét chế độ chính sách cho đối tượng cán bộ không chuyên trách được hưởng chế độ nghỉ công tác; đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân được hưởng chế độ chính sách nhiều hơn.
Nhiều cử tri kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ hóa các luật có liên quan, đặc biệt là về tổ chức bộ máy và phân cấp ngân sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2015/NĐ-CP, trong đó cho phép Chủ tịch UBND cấp xã được ủy quyền việc chứng thực bản sao, chữ ký. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sớm ban hành hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy định về biên chế cho đơn vị sự nghiệp; cho phép thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp xã; bổ sung thêm 1 cấp phó cho 3 cơ quan chuyên môn cấp xã...
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu phát biểu.
Cử tri kiến nghị rà soát, sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Kiến trúc… đồng bộ theo chính quyền địa phương 2 cấp; tăng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở thôn, khu phố; hướng dẫn việc tổ chức, thành lập và duy trì hoạt động các hội đặc thù ở các xã, phường; có chính sách ưu tiên về nhà ở xã hội, nhà ở công vụ... cho cán bộ công chức, viên chức; hỗ trợ thêm nguồn kinh phí đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng. Ngoài ra, Trung ương cần ban hành tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức theo mô hình mới, tạo cơ sở triển khai tinh giản biên chế khách quan, hiệu quả; thông tin về tuyến đường sắt tốc độ cao...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các ý kiến của các cử tri; làm rõ thêm một số vấn đề về xây dựng và triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, vấn đề quy hoạch và đường sắt tốc độ cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu.
Phó Thủ tướng cho biết, để tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Quốc hội, Chính phủ đã sửa đổi nhiều luật, nghị định, với mục tiêu là hướng đến tinh gọn bộ máy, xóa cấp trung gian, tổ chức lại bộ máy chính quyền khoa học hơn, tinh gọn hơn, mục tiêu cuối cùng là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phuc vụ nhân dân hiệu quả hơn. Việc sáp nhập đơn vị hành chính góp phần mở ra không gian phát triển cho các địa phương, trong đó có Bắc Ninh. Sau sáp nhập Bắc Ninh có nhiều dư địa để phát triển, với quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, tạo tiền đề để xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2030.
Việc quan trọng của chính quyền địa phương 2 cấp là xây dựng bộ máy hành chính thân thiện, gần dân, sát dân. Tiêu chí của chính quyền địa phương 2 cấp là kinh tế phát triển hơn và người dân được phục vụ tốt hơn với các điều kiện là tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho cấp xã và phân quyền rất nhiều cho chính quyền cấp xã, để nơi đây giải quyết tất cả tất cả mọi nhu cầu của người dân. Sự khác biệt của tổ chức chính quyền hai cấp là chính quyền cấp xã có Trung tâm hành chính công. Đây là một cơ cấu cứng của tất cả bộ máy chính quyền cấp xã. Chính phủ cũng đang triển khai trung tâm này. Do đó, các Trung tâm hành chính công cần phải được ưu tiên về cơ sở vật chất.
Các cử tri phát biểu ý kiến.
Phó Thủ tướng hoan nghênh việc vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp của Bắc Ninh mấy ngày qua với sự tận tâm phục vụ người dân; chia sẻ với những khó khăn trong vận hành chính quyền mới, đây không phải khó khăn của riêng Bắc Ninh mà là của cả nước. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần phải vừa chạy vừa xếp hàng, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Việc sắp xếp lại giang sơn, vẽ lại bản đồ đất nước được nhân dân đánh giá, ủng hộ rất cao, đây là nguồn động viên lớn, thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tương lai tươi sáng của đất nước, của tỉnh. Do đó nhiệm vụ của chúng ta là phải nuôi dưỡng và nhân lên niềm vui, niềm tin ấy. Điều đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn ở cán bộ cơ sở, những người quyết định chất lượng phụ vụ nhân dân. Vì vậy cán bộ cơ sở cần nâng cao trách nhiệm, tận tâm tận lực, thân thiện, gần gũi với người dân, lấy phục vụ người dân là niềm vui. Về chuyên môn cán bộ cơ sở phải nắm chắc các Luật, các nhiệm vụ được giao.
Về vấn đề quy hoạch, Phó Thủ tướng cho biết, trước mắt, Quốc hội giao Chính phủ có hướng dẫn và trao quyền cho các địa phương để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phục vụ cho sự tăng trưởng. Để chính quyền địa phương hai cấp vận hành tốt, đối với những quy hoạch đã có, Chính phủ sẽ có hướng dẫn để khẩn trương hoàn tất quy hoạch theo tinh thần phát huy tiềm năng lợi thế và hướng tới sự tăng trưởng bứt phá chứ không phải là phép cộng cơ học của quy hoạch các địa phương cũ.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu tặng hoa chức mừng ra mắt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh.
Thông tin về Dự án đường sắt tốc độ cao từ Bắc vào Nam, Phó Thủ tướng cho biết nhân dân rất phấn khởi khi Trung ương quyết định làm tuyến đường này. Dù đầu tư theo hình thức nào thì vẫn phải đảm bảo các yêu cầu như khẩn trương, tiết kiệm, chất lượng quốc tế, hướng đến có nhiều lợi ích kép và phòng, chống được tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Đối với những kiến nghị về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Phó Thủ tướng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục tập hợp lại để trình Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ giải quyết.
Tin, ảnh: Đồng Thúy (TTXVN)