Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) tại TP Hải Phòng. Nguồn: VGP.
Sáng 21/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) tại TP Hải Phòng.
Xử lý dứt điểm các khu vực xung yếu
Báo cáo với Phó Thủ tướng về công tác phòng, chống bão số 3, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu cho biết, hiện toàn thành phố có 78 điểm xung yếu, gồm hệ thống đê điều, chung cư cũ và các công trình có nguy cơ mất an toàn cao khi xảy ra bão. Thành phố đã kiểm tra, rà soát và lên phương án di dời toàn bộ người dân ở các chung cư cũ có nguy cơ rủi ro, kiên quyết không để dân ở lại trong vùng nguy hiểm.
"Với khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển, đặc biệt là các lồng bè, các lực lượng chức năng đã triển khai biện pháp neo, cột, chằng chống, đồng thời vận động người dân lên bờ. Mỗi lồng bè chỉ để lại một người trông coi, và chậm nhất đến 18h ngày 21/7, tất cả đều phải được đưa lên bờ. Trường hợp không chấp hành, sẽ tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn tuyệt đối về người," Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết.
Tại phường Đồ Sơn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền và nghe báo cáo công tác phòng, chống bão số 3.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền tại phường Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Nguồn: VGP.
Lãnh đạo phường cho biết Đồ Sơn đã lập năm tổ công tác, quân số 28-30 người mỗi tổ, phân bổ tại các khu vực như khu du lịch, cảng cá và tổ dân phố, nhằm rà soát các trường hợp có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Phường cũng chủ động lên phương án sơ tán, di dời người dân khỏi những khu vực nguy hiểm. Theo đó, đã có gần 100 hộ dân thuộc diện nguy cơ sạt lở, được vận động di dời từ ngày 20/7. Trong chiều 21/7, phường sẽ hoàn tất toàn bộ công tác di dời.
Về vật tư phòng chống sạt lở, phường đã chuẩn bị sẵn kho đá 700 m3 tại chỗ, cùng một kho lớn chứa 10.000 m3 đá tại khu vực khác để sẵn sàng vận chuyển khi cần.
Tăng cường lực lượng, chi viện kịp thời giữa các xã
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động, rõ ràng của Hải Phòng trong công tác phòng, chống bão số 3. Mặt khác, Phó Thủ tướng lưu ý thành phố cần đặc biệt chú trọng công tác dự báo sớm và chính xác, nhằm có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Với hệ thống đê điều, yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát từ sớm, tập trung xử lý những nơi xung yếu, đê chưa đạt chất lượng. Riêng về nguy cơ sạt lở, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề không thể chủ quan, cần có chiến lược tổng thể, căn cơ, lâu dài. Hải Phòng cần rà soát lại toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở để xử lý dứt điểm.
“Sau mỗi trận bão phải rút kinh nghiệm và hành động dứt khoát, tránh tình trạng lặp lại," Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý trên địa bàn TP Hải Phòng có nhiều công trình kinh tế trọng điểm. Những công trình đã hoàn thành và hoạt động ổn định thì đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những hạng mục đang thi công dở dang lại tiềm ẩn rủi ro lớn trong bão, cần được đặc biệt quan tâm, kiểm soát chặt chẽ.
Đối với khu vực lồng bè, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu địa phương kiên quyết cưỡng chế sơ tán nhưng đồng thời phải có phương án bảo vệ tài sản cho người dân, để họ yên tâm di dời. Các lực lượng vũ trang cần được huy động tối đa để giúp dân chằng chống, bảo vệ lồng bè; coi đây là “cuộc chạy đua với thời gian trước bão”.
“Chúng ta không thể mãi đối phó với bão, mà cần chuyển từ ứng phó bị động sang giải pháp căn cơ, kiên cố, ứng dụng công nghệ để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân," Phó Thủ tướng nói. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu địa phương tập trung chỉ đạo vào các khu vực trọng yếu. Đây là yếu tố then chốt phải bảo đảm khả năng cơ động, ứng phó nhanh, hiệu quả khi tình huống xảy ra.
"Trước đây một huyện có thể có nhiều xã, nay chỉ còn một đơn vị hành chính cấp xã với quy mô rộng hơn, nhưng nhiệm vụ và áp lực lại phụ thuộc rất lớn vào các điểm xung yếu trên địa bàn. Từ đó, yêu cầu được đặt ra là phải tăng cường nguồn lực, bao gồm vật chất, vật liệu, vật tư, nhân lực vào đúng các khu vực xung yếu. Đồng thời, phải có cơ chế điều động lực lượng giữa các xã, chi viện ngay lập tức. Mỗi xã đều có các tổ xung kích, nhưng khi xã này xảy ra sự cố thì toàn bộ các xã khác phải chi viện ngay," Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về vật tư, phương tiện phòng, chống bão... Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tập trung chuẩn bị từ đầu. Đặc biệt, chính quyền các xã phải nắm rất chắc về số lượng vật tư, phương tiện, nhân lực huy động phòng, chống bão; bảo đảm khi có sự cố thì xử lý được ngay tại chỗ, không để xảy ra tình trạng bị động, lan rộng, tác động liên hoàn.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cập nhật vào lúc 16h chiều ngày 21/7, vị trí tâm bão đang cách Quảng Ninh khoảng 100 km, cách Hải Phòng khoảng 220 km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 240 km, cách Ninh Bình khoảng 270 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102 km/h), giật cấp 12.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/h.
Thu Thảo