Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: 'Thổi' giá BĐS là do làm trái quy luật bình thường

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: 'Thổi' giá BĐS là do làm trái quy luật bình thường
2 giờ trướcBài gốc
Trong phần phát biểu kết luận phiên thảo luận chiều 28/10 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại, yếu kém trong quản lý liên quan đến nhà ở, đất đai, trong đó có thực trạng "thổi" giá bất động sản.
"Quản lý về thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội đang có sự mất cân đối về các sản phẩm cung-cầu", Phó Thủ tướng đặt vấn đề. Cụ thể, có nhiều nơi số lượng nhà ở xã hội hiện nay còn quá thấp, cũng có nơi đã xây dựng nhưng lại để không. Nhà ở chung cư, nhà ở tái định cư cũng có những nơi đang để lãng phí, không sử dụng, ngay cả ở TP.HCM và Hà Nội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 28/10.
Nói về vấn đề giá nhà đất cao quá mức bình thường, hiện tượng đấu giá cao rồi bỏ cọc... Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là chúng ta đã làm trái các quy luật bình thường và cơ quan quản lý chưa quản lý được.
"Cầu thì cao, hàng nghìn người đứng ra đấu giá xếp hàng cả ngày cả đêm nhưng chỉ đưa ra vài trăm, trong khi chúng ta đang có hàng nghìn thửa đất. Như vậy vô hình trung làm cho thị trường méo mó, tức là giữa cung và cầu không công khai, minh bạch. Người dân lo chỉ có chừng ấy thôi và mấy nghìn người có nhu cầu nhà ở", Phó Thủ tướng phân tích.
Vấn đề tiếp theo được nhắc đến là việc đưa ra đấu giá loại đất "chia lô, bán nền". Theo Phó Thủ tướng, nếu chúng ta không đưa vào quy hoạch chi tiết, không xây dựng hạ tầng đồng bộ mà chúng ta chỉ chia lô, bán nền thì đây chính là nơi để người dân đưa tiền vào đầu tư, đưa tiền gửi vào đấy. "Điều này tôi cho rằng cũng là một điểm bất hợp lý", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đồng tình với các giải pháp nhằm ngăn chặn việc "thổi giá" bất động sản mà các đại biểu đã nêu, trong đó có việc là làm sao xác định giá cả, xem xét thí điểm sớm sàn giao dịch trên thị trường.
"Tất cả những điều này chúng ta làm được thì chúng ta sẽ tiếp cận với giá thị trường", Phó Thủ tướng nhận định.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh về tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá đất tại một số địa phương, có biểu hiện đầu cơ thổi giá, tạo mặt bằng giá cao. Theo Bộ trưởng, hiện tượng này làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ đã kiểm tra, rà soát để xác định nguyên nhân, tìm giải pháp. Nguyên nhân đầu tiên, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy là do việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.
Một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao thổi giá và bán lại thửa đất vừa trúng đấu giá để thu lợi hoặc là tạo mặt bằng giá ảo đối với khu vực xung quanh.
Một số địa phương thiếu chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá đất dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân khan hiếm và không đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phân tích.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình về hiện tượng đầu cơ, thổi giá, bỏ cọc trong đấu giá đất.
Ngăn chặn "thổi" giá bất động sản thế nào?
Theo ông Duy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất một số giải pháp, được nêu ra trong báo cáo gửi Quốc hội. Theo đó, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật có liên quan, Bộ đề nghị các địa phương khi tổ chức đấu giá cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Ngoài ra, địa phương cần điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm giá để tính giá khởi điểm.
Nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, trong quy chế đấu giá có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định về việc công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho rằng cần có các biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản, nhà ở, đất ở có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu thực. Điều này sẽ khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản, bao gồm các sản phẩm đấu giá quyền sử dụng đất.
Các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Chúng tôi cũng xin tiếp thu ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, đề xuất bổ sung một số giải pháp để tăng cường các biện pháp quản lý, chấn chỉnh công tác đấu giá đất và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Thị trường đất đấu giá tại Hà Nội thời gian qua có biểu hiện thổi giá. (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Trước đó, Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề xuất, để khắc phục tình trạng bỏ cọc, trục lợi thị trường bất động sản, ông Phước đưa ra giải pháp tăng giá tiền đặt cọc theo từng vòng, theo lũy tuyến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, không thể tăng tiền đặt cọc vì "nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh".
Theo ông Cường để ngăn tình trạng thổi giá, bỏ cọc sau khi đấu thầu, cần phải đưa ra quy định là người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
Đồng thời cần công khai người bỏ cọc khi đấu giá đất để hạn chế trục lợi, "nếu có quy định như vậy những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh được". Cùng đó loại bỏ được những người không có nhu cầu sử dụng, tham gia đấu giá để mua đi bán lại hoặc những người cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua.
Minh Anh
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-thoi-gia-bds-la-do-lam-trai-quy-luat-binh-thuong-ar904393.html