Chiều tối 14/7, tại Đà Lạt, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030. Cùng dự có ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng
Tại Đà Lạt, nơi đặt trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 1.300 công chức viên chức từ địa bàn Đắk Nông và Bình Thuận. Hơn 8.000 người còn lại vẫn được bố trí tại địa bàn cũ để tiếp nhận các thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi trong giải quyết kịp thời công việc cho người dân. Toàn bộ các sở, ngành cấp tỉnh đã chính thức bắt tay vào làm việc kể từ ngày 1/7. Đối với 124 xã, phường, đặc khu sau sắp xếp cũng đã đảm bảo nhân sự để vận hành sau khi được bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Công tác giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp từng bước được thông suốt. Số hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt trên 97% trong tổng số hơn 18.500 hồ sơ.
Ngay khi vận hành chính thức, các Đảng bộ từ tỉnh đến xã đều có sự chủ động và nghiêm túc triển khai các chỉ thị, quy định và hướng dẫn của Trung ương về công tác đại hội, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên. Công tác chuẩn bị dự thảo văn kiện trình đại hội, chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo quy trình, quy định.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả bước đầu mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, duy trì tốt tốc độ phát triển KT-XH của địa phương. Riêng công tác chuẩn bị Đại hội, tỉnh và xã đều làm rất tốt, sát với kế hoạch và nhiệm vụ đã đặt ra.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng báo cáo về tình hình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030
Phó Thủ tướng lưu ý công tác nhân sự trong bộ máy chính quyền giai đoạn mới phải đảm bảo được yêu cầu về chuyên môn, phân rõ từng chức năng, nhiệm vụ trong giải quyết công việc. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở trung tâm hành chính, đường truyền hệ thống phải đáp ứng tốt yêu cầu. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm xử lý các tài sản dôi dư, bố trí hợp lý, chuyển đổi công năng theo đúng quy định của pháp luật.
Về công tác chuẩn bị đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ cấp xã điểm kết thức, tỉnh phải tổ chức hội nghị quán triệt và rút kinh nghiệp cho toàn bộ các xã, phường đặc khu khác trên địa bàn. Đáng chú ý, việc xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Lâm Đồng cần tiến hành thận trọng với tinh thần đổi mới, đáp ứng sát với yêu cầu phát triển của địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình lưu ý tỉnh Lâm Đồng xây dựng văn kiện đại hội cần thấy rõ sự bức phá, tăng trưởng và phát triển
“Nội dung văn kiện của tỉnh thì đã làm rất nhiều các quy trình, soạn thảo, góp ý trong Ban Thường vụ, lấy ý kiến các nhà khoa học, các đồng chí nguyên lão đạo tỉnh, việc này làm rất tốt. Thế nhưng từ nay đến đại hội vẫn còn rất nhiều thời gian nên chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, rất rõ về mặt nội dung và tính hành động của văn kiện phải rất là cao chứ không phải là lý thuyết chung chung. Làm sao người ta nhìn vào văn kiện của tỉnh thấy rõ được con đường đi và có niềm tin là chúng ta sẽ bức phá, sẽ tăng trưởng, sẽ phát triển”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế của Lâm Đồng hiện chưa tương xứng với tiềm năng, chỉ mới đạt 5%, còn cách xa so với mục tiêu tăng trưởng trên 8% đã đặt ra. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản còn hạn chế; một bộ phận người dân vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn… những vấn đề này tỉnh cần tăng cường sự lãnh chỉ đạo, đặc biệt quan tâm giải quyết và tháo gỡ trong thời gian tới.
Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên