Ngày 29-4, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã làm việc với Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Điều động 200.000 cán bộ tham gia công tác tổ chức thi
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là kỳ thi lớn với sự tham gia của hơn 1,1 triệu thí sinh trên khắp cả nước; được tổ chức thi theo 2 chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, khoảng 200.000 cán bộ được điều động tham gia công tác tổ chức thi.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: VGP/ĐỨC TUÂN
"Đây là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngay từ năm 2024, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị từ sớm, từ xa các hệ thống văn bản, quy trình tổ chức để chỉ đạo chung về công tác tổ chức thi tại các địa phương", ông Thưởng nói.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng đề thi tham khảo ngay từ đầu năm học và công bố vào ngày 18-10-2024, sớm hơn 5 tháng so với các năm trước.
Đề thi được xây dựng theo hướng mở và phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành, phù hợp với phương thức một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh mục tiêu "2 giảm" của kỳ thi, đó là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đề ra.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: VGP/ĐỨC TUÂN
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT Huỳnh Văn Chương cho biết thêm năm nay, 100% thí sinh trên cả nước đăng ký thi trực tuyến. Dự kiến có 2.500 điểm thi (tăng 177 điểm thi so với năm 2024) và 50.000 phòng thi (tăng 4.851 phòng).
Ông Chương cũng cho biết sẽ cố gắng xét tốt nghiệp và cấp bằng trước ngày 30-9.
Về một số điểm cần lưu ý trong triển khai kỳ thi, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng thời điểm tổ chức kỳ thi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Do đó, cần đặc biệt quan tâm, tập huấn kỹ cho những người tham gia tổ chức thi, bao gồm cả nhân sự dự phòng; kịp thời thay đổi công tác nhân sự khi có sự điều động, luân chuyển do việc sáp nhập.
Về đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi, đại diện Bộ Công an cho biết hiện tình hình sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp. Những năm gần đây, Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thiết bị nghe siêu nhỏ gắn trong tai để thực hiện gian lận.
Ngoài ra, gần đây trên thế giới đã phát hiện trường hợp sử dụng AI để gian lận trong thi cử.
Vì vậy, lực lượng công an đã tập trung các giải pháp để tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi. Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến với thí sinh và phụ huynh, nhất là về vấn đề học sinh làm lộ lọt đề thi ra ngoài.
Bảo đảm tổ chức thành công kỳ thi trong bối cảnh mới
Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một số điểm khác, cần nhận thức, xác định rõ trong các văn bản chỉ đạo để có giải pháp sát hơn.
Một số vấn đề có thể kể đến, như kỳ thi được tổ chức đúng vào thời điểm "giao thời" của công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính như không tổ chức cấp huyện, sáp nhập các tỉnh, xã, sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra… Đây là những cấp, cơ quan có nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp hàng năm.
Năm nay, số lượng thí sinh tham gia thi cũng nhiều hơn; công nghệ gian lận ngày càng tinh vi.
"Yêu cầu đặt ra là phải tổ chức kỳ thi thành công, an toàn, đạt mục tiêu đề ra, không để xảy ra sự cố", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/ĐỨC TUÂN
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục có văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể đối với tổ chức kỳ thi này theo hướng "cầm tay chỉ việc", bám sát tình hình sắp xếp, tổ chức bộ máy, có sự phân công nhiệm vụ, không nêu chung chung.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý không được chủ quan về vấn đề tâm lý của cán bộ khi bộ máy được tinh gọn, cần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, phân định công việc rõ ràng; cần nhấn mạnh trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Bộ Công an, Bộ Y tế cũng cần có kế hoạch riêng về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong mọi trường hợp, phải bảo đảm sự nhất quán, thông suốt từ trung ương đến địa phương.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong hai ngày 26 và 27-6.
Nhóm thí sinh thi tốt nghiệp lần đầu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải làm 4 bài thi, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. 2 môn còn lại được lựa chọn trong số các môn đã học ở trường (Hóa học, Vật lí, Sinh học, Địa lí, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).
Thí sinh thi theo chương trình cũ (Chương trình 2006) sẽ làm bài thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, cùng 1 trong 2 bài Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố ngày 16-7.
THANH THANH