Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Chơn Thành

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Chơn Thành
20 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và tỉnh Đồng Nai kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành.
Theo văn bản này, Bộ Tài chính được Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra trước ngày 10/6/2025 nhưng đến ngày 19/6/2025, bộ này mới gửi báo cáo, bị đánh giá là quá chậm so với thời hạn.
Tiếp đó, nội dung báo cáo và kiến nghị của Bộ Tài chính chưa thể hiện đúng chức năng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, không làm rõ vai trò của cơ quan chuyên môn về quản lý hoạt động đấu thầu.
Việc kiểm tra chưa tuân thủ đầy đủ quy định tại Thông tư 23/2024/TT-BKHĐT ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trước thời điểm sáp nhập với Bộ Tài chính). Đồng thời, không nêu và phân tích cụ thể kết quả kiểm tra; không nêu nội dung kết luận và các kiến nghị cụ thể đối với đơn vị được kiểm tra, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền.
Mặc dù Phó Thủ tướng đã giao kiểm tra năng lực, kinh nghiệm của Tổ chuyên gia, tuy nhiên báo cáo của Bộ Tài chính chỉ kiểm tra về chứng chỉ đấu thầu và để Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của các thành viên Tổ chuyên gia…. Theo văn bản trên, cách làm này bị đánh giá là "chưa làm tròn trách nhiệm".
Ngoài ra, theo chỉ đạo tại văn bản số 4755/VPCP-CN ngày 29/5/2025, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra đầy đủ nội dung từ hồ sơ mời thầu, kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, việc xử lý kiến nghị, năng lực chuyên gia… đến các nội dung khác liên quan. Tuy nhiên, Bộ Tài chính hiện mới dừng ở việc đánh giá nội dung “không đáp ứng” của Tổ chuyên gia, chưa mở rộng đầy đủ theo chỉ đạo.
Trích công văn số 6093/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ ngày 1/7/2025.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo rõ và có kiến nghị cụ thể theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định tại Thông tư 23/2024/TT-BKHĐT.
Trong báo cáo, cần có nhận xét, đánh giá đối với nội dung E-HSMT đã đảm bảo đúng quy định. Đặc biệt đối với yêu cầu về BIM; yêu cầu về việc chào ký hiệu, mã hiệu, nhãn mác (nếu có) và xuất xứ của vật tư, thiết bị chính phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT; yêu cầu về tiêu chuẩn đánh giá năng lực thiết bị và đánh giá về thiết bị tại yêu cầu về mặt kỹ thuật có đảm bảo thống nhất, trường hợp nếu có sự không thống nhất thì có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá E-HSDT và làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Quá trình đánh giá E-HSDT của các nhà thầu của Tổ chuyên gia, Chủ đầu tư đã bảo đảm đúng theo yêu cầu của E-HSMT. Đặc biệt đã bảo đảm tính chính xác, khách quan, thống nhất trong việc đánh giá về thiết bị thi công giữa yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và yêu cầu về kỹ thuật; giữa báo cáo đánh giá chi tiết của Tổ chuyên gia và báo cáo đánh giá tổng hợp.
Đồng thời, đánh giá việc Tổ chuyên gia không làm rõ E-HSDT theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có đảm bảo tính chính xác về kết quả đánh giá E-HSDT.
Về năng lực của Tổ chuyên gia, Phó Thủ tướng đề nghị có nhận xét, đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, số lượng và yêu cầu đối với thành viên Tổ chuyên gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu, không chỉ qua yêu cầu về chứng chỉ. Đặc biệt xem xét các khía cạnh năng lực, kinh nghiệm trong việc khác nhau giữa báo cáo đánh giá chi tiết và báo cáo tổng hợp; không tiến hành làm rõ E-HSDT…
Đối với kết quả lựa chọn nhà thầu, Phó Thủ tướng đề nghị có nhận xét, đánh giá cụ thể về kết quả đánh giá E-HSDT, thẩm định, trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu có đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế hay chưa và nhà thầu được đề nghị trúng thầu đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và giải pháp khả thi thực hiện gói thầu theo yêu cầu về tiến độ, chất lượng?
Có kiến nghị cụ thể, rõ ràng đối với việc xử lý tiếp theo như tiếp tục xử lý kết quả với nhà thầu được lựa chọn hoặc cần phải yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia hoàn thiện nội dung gì hoặc các biện pháp cần thiết khác.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai) hoàn thiện báo cáo, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/7/2025. Việc chậm trễ không được tiếp diễn, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Đối với UBND tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai), Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và Tổ chuyên gia đấu thầu phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Bộ Tài chính theo Quyết định số 1935/QĐ-BTC ngày 2/6/2025, bảo đảm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu và thông tin liên quan. Đồng thời, cần tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ về kết quả kiểm tra quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu xây lắp đoạn qua tỉnh Bình Phước thuộc Dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo, lý do một nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất bị loại là không đáp ứng yêu cầu về vật tư thiết bị, mô hình thông tin công trình (BIM) và máy móc thi công. Bộ Tài chính nhận định việc áp dụng BIM trong giai đoạn thi công là phù hợp, tuy nhiên chủ đầu tư phải xác định tiêu chí đánh giá BIM rõ ràng, minh bạch, khả thi, tránh gây nên cách hiểu khác nhau giữa các nhà thầu.
Đối với yêu cầu về thiết bị, Bộ Tài chính cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận về tính pháp lý của giấy kiểm định kỹ thuật do các nhà thầu cung cấp và kiến nghị cần tham khảo thêm ý kiến chuyên ngành.
Liên quan tổ chuyên gia, ba thành viên đều có chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực đến ít nhất tháng 10/2028, song trách nhiệm bảo đảm năng lực và kinh nghiệm thuộc về chủ đầu tư. Đáng chú ý, bộ phát hiện có sự không thống nhất giữa báo cáo chi tiết và báo cáo tổng hợp trong việc đánh giá 4/5 nhà thầu bị loại. Ngoài ra, quá trình yêu cầu thay thế thiết bị không đáp ứng được thực hiện sai bước so với quy định trong hồ sơ mẫu.
Từ những bất cập nêu trên, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Phước xem xét kỹ các nội dung đã nêu để quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, địa phương cần sớm giải quyết kiến nghị của đơn vị tham gia đấu thầu, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tài chính và thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng. Trường hợp cần thiết, địa phương có thể phối hợp các bộ, ngành để làm rõ tính pháp lý của các tài liệu liên quan.
Minh Kiệt
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/pho-thu-tuong-yeu-cau-bo-tai-chinh-va-cac-don-vi-lien-quan-kiem-tra-viec-lua-chon-nha-thau-cao-toc-tp-ho-chi-minh-chon-thanh.htm