Tiềm năng lớn
Trong chương trình “Café Cùng Chứng” do Chứng khoán SSI tổ chức, ông Lê Bảo Nguyên, Giám đốc dự án kiêm trợ lý Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc CTCP Công nghệ số SSI (SSID) cho biết, nhờ công nghệ blockchain, hàng loạt tài sản số đã được ra đời, điển hình về tài sản số là Bitcoin - đồng tiền mã hóa đầu tiên và nổi bật nhất hiện nay. Tuy nhiên, blockchain không chỉ dùng để tạo ra tiền mã hóa, mà có rất nhiều ứng dụng khác nhau, mở rộng ra các lĩnh vực như NFT (tài sản kỹ thuật số không thể thay thế), token hóa tài sản và nhiều loại tài sản số khác.
Nếu hiểu theo nghĩa rộng, tài sản số có thể bao gồm cả domain, email, hay dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, trong phạm vi đầu tư tài chính hiện nay, khái niệm được quan tâm nhiều nhất chính là virtual assets, hay nói đúng hơn là tài sản mã hóa. Đây là các loại tài sản sử dụng công nghệ mã hóa để xác thực và lưu trữ giao dịch.
Ông Bảo Nguyên chia sẻ, thị trường tài sản mã hóa đã hình thành và phát triển hơn 10 năm, kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009 - 2010. Trong thời gian đầu, thị trường này mang tính chu kỳ rất rõ rệt, thường xuyên biến động theo dạng hình parabol, tức tăng mạnh rồi lại giảm sâu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đã chứng kiến sự tham gia của các định chế tài chính lớn như BlackRock, VanEck… Họ không chỉ mua Bitcoin mà còn phát hành ETF Bitcoin, góp phần làm cho thị trường ngày càng minh bạch và ổn định hơn.
Ông Lê Bảo Nguyên
Điều đó có nghĩa là tài sản số đang dần trở thành một lớp tài sản chính thống. Những nhà đầu tư lớn, thậm chí là các tỷ phú, đã bắt đầu chuyển một phần tài sản của họ sang lĩnh vực này. Hiện nay, các loại tài sản số tiêu biểu bao gồm Bitcoin, Ethereum, Solana, cùng với hàng loạt dự án công nghệ hạ tầng blockchain.
Về dài hạn, tài sản số được kỳ vọng sẽ được ứng dụng vào nhiều mục đích thiết thực hơn, như gọi vốn cho các dự án công, token hóa bất động sản và thu hút vốn ngoại cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Đây là một thị trường tiềm năng rất lớn.
Cơ hội khi tài sản số được hợp pháp hóa tại Việt Nam
Trước đây, nhà đầu tư Việt Nam chỉ có thể sử dụng các nền tảng nước ngoài, không được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Điều đó đồng nghĩa với việc mọi rủi ro từ lừa đảo, mất tài sản đến tranh chấp đều không có cơ chế xử lý rõ ràng trong hệ thống pháp lý hiện hành.
Tuy nhiên, với Luật Công nghiệp Công nghệ số mới được ban hành, tài sản số đã chính thức được công nhận là một loại tài sản hợp pháp tại Việt Nam. Dù luật có hiệu lực từ ngày 1/5/2026, nhưng đây là mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình về mặt pháp lý.
Chỉ khi nào tài sản số được pháp luật công nhận, được phép lưu hành, mua bán đúng cách, có cơ chế chuyển nhượng, thừa kế rõ ràng, có sự giám sát của các tổ chức trong nước, thì thị trường mới thực sự minh bạch và lành mạnh. Hiện tại, phần lớn hoạt động vẫn diễn ra trong vùng xám, thiếu định danh rõ ràng và thiếu cơ sở pháp lý bảo vệ người tham gia.
Các chuyên gia chia sẻ tại chương trình
“Tôi kỳ vọng trong thời gian tới, khi các văn bản pháp lý đi vào cuộc sống, chúng ta sẽ có các nền tảng đầu tư tài sản số trong nước, được cấp phép và quản lý đúng quy định. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nhà đầu tư hoàn toàn có thể coi đó là cơ hội. Bitcoin là ví dụ điển hình. Ngày càng có nhiều quốc gia không còn xem đây là một trào lưu nhất thời, mà là một cơn sóng không thể cản được nữa”, ông Bảo Nguyên nhận định.
Đồng quan điểm, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research) cho rằng, việc tài sản số được luật hóa là một bước đi quan trọng. Dù chưa hẳn là ngay lập tức có thể đưa tài sản số vào giao dịch, nhưng ít nhất, đây như là một tờ giấy khai sinh quan trọng cho một thị trường. Qua đó, giúp đa dạng hóa kênh đầu tư cho nhà đầu tư, bên cạnh chứng khoán, bất động sản, vàng... Trong đó, kênh bất động sản là một kênh rất truyền thống, còn vàng cũng đang gặp phải một số vấn đề cần có thay đổi.
Kênh chứng khoán có bị hút tiền?
So sánh giữa thị trường tài sản số và thị trường chứng khoán, ông Hiếu cho rằng, đây là 2 kênh có sự phát triển rất nhanh. Nhìn lại thị trường chứng khoán khoảng 5 - 6 năm vừa qua, từ thời điểm 2019, thanh khoản thị trường khi đó chỉ khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng mỗi phiên. Còn bây giờ, thanh khoản đã gấp 10 lần, lên tới 30.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Thị trường tài sản mã hóa trên thế giới thậm chí còn biến động nhanh hơn. Với thị trường Việt Nam, khi đã được pháp luật thừa nhận, kênh đầu tư này kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, tương tự như thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn giữa chứng khoán và tài sản số nếu so sánh về lịch sử. Thị trường chứng khoán Việt Nam khai sinh từ năm 2000 và ở thời điểm đó, Việt Nam là một thị trường đi sau so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Cho đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chỉ được xếp hạng là một thị trường cận biên.
Nhưng đối với tài sản mã hóa, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên luật hóa các quy định liên quan đến tài sản số; cũng đang trong quá trình xây dựng các dự thảo thí điểm về thị trường mã hóa.
Một cột mốc khác quan trọng, đó là lần đầu tiên, một địa danh Việt Nam sẽ được gắn với một công ước quốc tế về không gian mạng. Cụ thể, tới đây, Việt Nam sẽ đăng cai lễ ký kết Công ước Liên Hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng. Đây cũng là bước đi thể hiện sự quyết tâm rất lớn, mở ra kỷ nguyên mới của tài sản số ở Việt Nam.
"Điểm khác biệt rất lớn giữa thị trường chứng khoán và thị trường tài sản số là tài sản số đã tồn tại, không cần xây từ đầu", ông Nguyên nhấn mạnh và dẫn chứng, theo các con số thống kê không chính thức, khối lượng giao dịch của kênh này đã vượt xa thị trường chứng khoán, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về số lượng người chấp nhận và nắm giữ tài sản mã hóa. Ngoài ra, đây là thị trường hoạt động 24/7, không ngừng nghỉ.
"Điều đó cho thấy Việt Nam là một thị trường rất lớn. Cộng với việc mọi thứ đang rất thuận lợi, tôi kỳ vọng nếu chúng ta tiếp tục đi đúng hướng như hiện nay, hoàn toàn có thể trở thành trung tâm tài sản số của khu vực", ông Nguyên cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư là luôn ghi nhớ nguyên tắc “too good to be true”, tức là những gì nghe có vẻ mang lại lợi nhuận quá cao thì thường đi kèm với rủi ro lớn. Không có chuyện lãi cao mà lại rủi ro thấp.
“Chúng ta phải tìm hiểu dự án mình định đầu tư là gì? Ai là người đứng sau dự án? Với những tài sản đã được xác lập vị thế như Bitcoin, Solana, Ethereum... thì có thể mua tích trữ dần, đó là chiến lược rất ổn. Còn với các nhà đầu tư mới, thường mất tiền vì đầu tư vào những dự án mà họ không hiểu rõ. Cho nên, phải xác định rõ mình đang đầu tư dài hạn theo hướng tích trữ giá trị, hay chỉ muốn lướt sóng? Vì nếu chọn cách thứ hai, thì rủi ro luôn rất cao”, ông Nguyên nói.
Nhã An