Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đến Ấn Độ cùng phái đoàn cấp cao gồm nhiều quan chức chính phủ, trong đó có ông Ricky Gill, Giám đốc cấp cao phụ trách Nam Á và Trung Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Chiều tối nay (21/4), ông Vance sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại thành phố Jaipur vào ngày 22/4 nhằm công bố những định hướng mới trong chính sách đối với Ấn Độ.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và phu nhân được chào đón tại sân bay Palam, New Delhi ngày 21/4. Ảnh: ANI.
Trọng tâm chuyến thăm lần này sẽ là vấn đề thương mại song phương. Ấn Độ hiện đang đối mặt với áp lực từ mức thuế quan mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm 2/4, áp dụng mức thuế 26% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Ấn Độ. Mặc dù được tạm hoãn trong 90 ngày, tuy nhiên động thái này cũng khiến các nhà xuất khẩu Ấn Độ lo lắng. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Mỹ - Ấn đạt 129 tỷ USD, với thặng dư nghiêng về Ấn Độ ở mức 45,7 tỷ USD. Ấn Độ kì vọng chuyến thăm lần này sẽ thúc đẩy việc hai bên sớm đạt được Thỏa thuận thương mại song phương vào mùa thu năm nay.
Cùng việc bàn thảo quan hệ thương mại, hai bên sẽ rà soát tiến độ các cam kết trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi hồi tháng 2, đặc biệt về thương mại công bằng và hợp tác quốc phòng. Ấn Độ đã thể hiện rõ cam kết chiến lược khi đồng ý mua năng lượng, vũ khí và thiết bị quốc phòng từ Mỹ. Tuy nhiên, việc Mỹ đề nghị mở rộng thị trường cho nông sản và sản phẩm sữa lại đang vấp phải làn sóng phản đối trong nước.
Một nội dung nổi bật khác trong chương trình nghị sự là khả năng hai nước khởi động khuôn khổ hợp tác mới mang tên TRUST (Chuyển đổi Mối quan hệ bằng Công nghệ Chiến lược), thay thế cho Sáng kiến Công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET) được kí kết trước đây dưới thời chính quyền Joe Biden. TRUST sẽ kết nối các lĩnh vực then chốt như chuỗi cung ứng bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, quốc phòng và năng lượng sạch, qua đó định hình tương lai quan hệ Mỹ - Ấn trong thế kỷ 21.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với các đối tác thương mại toàn cầu, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump coi chuyến thăm Ấn Độ của Phó Tổng thống JD Vance là “một sứ mệnh ngoại giao quan trọng”, tập trung vào những ưu tiên chung về kinh tế và địa chính trị. Một thỏa thuận thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ có thể tăng cường đáng kể quan hệ kinh tế giữa hai nước và khả năng củng cố quan hệ ngoại giao.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với kim ngạch thương mại song phương đạt 190 tỷ USD trong năm 2024. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, chuyến thăm sẽ mang đến cơ hội cho cả hai bên xem xét tiến triển trong quan hệ song phương và trao đổi quan điểm về các diễn biến trong khu vực và toàn cầu mà cả 2 nước cùng quan tâm.
Trong khi đó, đánh giá về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piysh Goyal cho biết: "Ấn Độ đã xử lý linh hoạt vấn đề thuế quan trong một thời gian dài. Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump đã quyết định sẽ ký một thỏa thuận thương mại song phương trong khi tăng cường hợp tác lẫn nhau. Điều này sẽ giúp Ấn Độ và Mỹ làm cho các giao dịch dễ dàng và suôn sẻ hơn, cũng như giúp tăng thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD, tức là gấp hai lần rưỡi so với hiện nay."
Kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump nhậm chức hôm 20/1, Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường các cuộc tiếp xúc lẫn nhau. Đáng chú ý, trong số này có chuyến thăm của Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard tới Ấn Độ hôm 18/3 để tham dự Đối thoại Rasina - một diễn đàn đa phương quan trọng do Ấn Độ đăng cai tổ chức để thảo luận về các vấn đề chính sách đối ngoại, địa chính trị và địa chiến lược.
Trước đó hồi tháng 2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Thủ tướng Narendra Modi là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump tiếp đón kể từ khi trở lại Nhà Trắng. Trong chuyến thăm khi đó, Thủ tướng Modi đã ca ngợi “mối quan hệ đối tác lớn” với Mỹ và khởi động quá trình đàm phán để giảm thiểu tác động không mong muốn có thể xảy ra do chính sách thuế quan mới của Mỹ. Thủ tướng Modi cho biết ông sẵn sàng giảm thêm thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ, hồi hương công dân Ấn Độ không có giấy tờ và mua thiết bị quân sự. Hai nước cũng đồng ý bắt đầu đàm phán để ký kết thỏa thuận thương mại song phương.
Chính vì thế, chuyến thăm New Dehli của Phó Tổng thống JD Vance cũng được giới quan sát nhìn nhận như một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm xoa dịu Ấn Độ sau khi áp thuế 26% đối với quốc gia châu Á. Mỹ muốn tiếp cận thị trường rộng hơn cho các sản phẩm nông nghiệp và sữa của mình tại Ấn Độ, nhưng cho đến nay Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng vì ngành nông nghiệp phần lớn sử dụng lực lượng lao động trong nước.
Ấn Độ là đối tác thân thiết của Mỹ về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, hợp tác quốc phòng và là mắt xích quan trọng trong cách tiếp cận của nước này đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Apple và Google đã mở rộng hoạt động tại Ấn Độ. Tháng trước, Starlink của tỷ phú công nghệ Elon Musk đã ký kết thỏa thuận với hai nhà khai thác viễn thông hàng đầu của Ấn Độ để cung cấp dịch vụ internet vệ tinh.
Mỹ hiện xem Ấn Độ là đối tác chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như Nhóm Đối thoại Bốn bên về An ninh (QUAD) cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia. Chuyến thăm của ông Vance không chỉ có ý nghĩa song phương mà còn mở đường cho chuyến công du dự kiến của Tổng thống Trump vào cuối năm nay, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh QUAD được tổ chức tại Ấn Độ.
Lê Dũng/VOV-New Delhi, Thu Hoài/VOV1