Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Dow Jones tăng 20,10 điểm (+0,05%) lên 40.113,50 điểm, S&P 500 thêm 40,44 điểm (+0,74%) đạt 5.525,21 điểm và Nasdaq Composite leo 216,90 điểm (+1,26%) thành 17.382,94 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ dẫn đầu đà tăng, trong khi lĩnh vực vật liệu chịu mức giảm lớn nhất.
Cả S&P 500 và Nasdaq đều được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu Magnificent Seven, những công ty công nghệ vốn hóa lớn.
Chỉ số Russell 2000 theo dõi cổ phiếu vốn hóa nhỏ ghi nhận mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 11/2024.
Ở các diễn biến riêng lẻ, Alphabet tăng 1,7% sau khi công ty công bố doanh thu từ dịch vụ đám mây Google Cloud tăng 28% và trấn an nhà đầu tư rằng khoản đầu tư vào AI đang mang lại hiệu quả.
Cổ phiếu công ty cung cấp dịch vụ băng thông rộng và truyền hình cáp Charter Communications leo vọt 11,4% nhờ doanh thu quý vượt kỳ vọng.
Ngược lại, Intel mất 6,7% do dự báo doanh thu và lợi nhuận yếu. Cổ phiếu của công ty dịch vụ dầu khí SLB cũng giảm 1,2% vì không đạt được kỳ vọng lợi nhuận quý 1, đồng thời cảnh báo nguy cơ biến động trên toàn ngành do bất ổn kinh tế và rủi ro từ thuế quan.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 14,30 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 19,13 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã đồng ý miễn thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhưng bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đang diễn ra đàm phán song phương, ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent có những phát biểu mang tính hạ nhiệt căng thẳng.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực xoa dịu cuộc chiến thương mại đã gây xáo trộn thị trường trong nhiều tuần qua. “Tuần này khởi đầu với những diễn biến bán tháo mạnh, nhưng sau đó đón nhận đà phục hồi vững chắc. Đây là một tuần khá tốt, chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan hơn về tình hình Mỹ - Trung”, ông Greg Bassuk, CEO của AXS Investments cho biết.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý 1/2025 đã bước vào giai đoạn cao điểm, với 179 công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả. Trong số đó, 73% vượt kỳ vọng, theo dữ liệu từ LSEG. Các nhà phân tích hiện dự báo tổng lợi nhuận quý 1 của S&P 500 sẽ tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo 8,0% được đưa ra vào ngày 1/4.
Tuy nhiên, giới đầu tư phần lớn không chỉ tập trung vào kết quả hiện tại mà chú ý nhiều hơn đến định hướng tương lai, đặc biệt là những công ty đã hạ hoặc rút lại dự báo do bất ổn kinh tế và chi tiêu tiêu dùng suy yếu.
Ở một chiều thông tin khác, Đại học Michigan đã công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng của tháng 4. Dù được điều chỉnh tăng, nhưng chỉ số vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022; trong khi kỳ vọng về lạm phát vẫn ở mức cao.
GIÁ DẦU GHI NHẬN TUẦN GIẢM
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ vào thứ Sáu nhưng ghi nhận mức giảm trong cả tuần, chủ yếu do lo ngại về dư cung và bất ổn liên quan đến đàm phán thuế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt phiên tăng 32 cent lên 66,87 USD/thùng, nhưng tính chung cả tuần giảm 1,6%. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 23 cent lên 63,02 USD/thùng vào thứ Sáu, nhưng giảm 2,6% trong tuần.
“Các nhà giao dịch hiện cho rằng giá dầu khó có thể tăng thêm trong ngắn hạn do cuộc chiến thương mại kéo dài giữa các nước tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó là những lời đồn đoán về việc OPEC+ có thể đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng từ tháng Sáu”, chuyên gia Ole Hansen của Saxo Bank nhận định.
Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm vào đầu tháng 4 do thuế quan làm dấy lên lo ngại về nhu cầu toàn cầu và khiến các thị trường tài chính lao dốc. Kinh suy yếu sẽ kéo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm mạnh, trong khi nguồn cung lại có thể tăng lên. Một số thành viên OPEC+ đã gợi ý rằng tổ chức có thể tăng sản lượng thêm tháng thứ hai liên tiếp vào tháng Sáu.
Kim Nguyễn