Kết thúc phiên 13/12, chỉ số Dow Jones giảm 86,06 điểm (-0,20%) còn 43.828,06 điểm; S&P 500 mất 0,16 điểm (-0,00%) xuống 6.051,09 điểm. Nasdaq Composite tăng 23,88 điểm (+0,12%) lên 19.926,72 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngành bán dẫn có diễn biến trái ngược đầy rõ rệt. Broadcom lần đầu tiên đạt giá trị vốn hóa trên 1 nghìn tỷ USD khi cổ phiếu bật tăng 24% nhờ dự báo doanh thu quý vượt kỳ vọng Phố Wall. Hãng cũng tự tin rằng nhu cầu đối với chip AI tùy chỉnh của họ sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới.
Đối thủ của Broadcom, Marvell cũng tăng hơn 10,8%. Ngược lại, Nvidia - một biểu tượng của ngành AI - lại giảm 2,2%. Tuy nhiên, chỉ số ngành bán dẫn nhìn chung vẫn leo 3,2%.
Trong các diễn biến riêng lẻ khác, cổ phiếu RH nhảy vọt 16,95% sau khi nhà bán lẻ đồ nội thất báo cáo doanh thu quý 3 tăng trưởng tốt, trong khi D.R. Horton trượt 0,89% do J.P. Morgan hạ xếp hạng cổ phiếu của hãng xuống cấp độ “thiếu hiệu quả”.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,56 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 14,03 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Trong năm nay, thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tục ghi nhận các mức cao kỷ lục mới, được thúc đẩy bởi mối quan tâm đối với các công ty công nghệ lớn hưởng lợi từ xu hướng trí tuệ nhân tạo.
Tâm lý nhà đầu tư cũng được cải thiện sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump, khi thị trường kỳ vọng rằng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của ông sẽ giúp cải thiện lợi nhuận kinh doanh.
Đà tăng trong thời gian gần đây được củng cổ bởi báo cáo lạm phát phù hợp dự đoán, qua đó thúc đẩy sự lạc quan về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần tới. Tuy nhiên, thị trường cũng dự báo khả năng Fed sẽ tạm dừng chuỗi động thái hạ lãi suất vào tháng 1/2025.
GIÁ DẦU TĂNG MẠNH
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khoảng 2% vào thứ Sáu và đạt mức cao nhất trong ba tuần. Một trong những yếu tố chính hỗ trợ cho diễn biến này là lo ngại nguồn cung bị thắt chặt vì các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga và Iran; bên cạnh đó, lãi suất thấp hơn ở châu Âu và Mỹ có thể thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,08 USD, tương đương 1,5%, lên mức 74,49 USD/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ tăng 1,27 USD, tương đương 1,8%, lên 71,29 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất của Brent kể từ ngày 22/11, đưa giá dầu tăng 5% trong tuần. Dầu WTI cũng tăng 6% trong tuần và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 7/11.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định: “Đà tăng giá hôm nay được thúc đẩy bởi các dự đoán về biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Nga và Iran, các định hướng kinh tế tích cực từ Trung Quốc, bất ổn chính trị ở Trung Đông và khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tuần tới”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 lên 1,1 triệu thùng/ngày. IEA cũng dự báo sẽ có tình trạng dư thừa dầu trong năm tới khi các quốc gia ngoài OPEC+ như Argentina, Brazil, Canada, Guyana và Mỹ tăng sản lượng lên khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày.
Kim Nguyễn