Kết thúc phiên 14/11, chỉ số Dow Jones giảm 207,33 điểm (-0,47%) còn 43.750,86 điểm; S&P 500 mất 36,21 điểm (-0,60%) xuống còn 5.949,17 điểm và chỉ số Nasdaq Composite trượt 123,07 điểm (-0,64%) thành 19.107,65 điểm.
Trong 11 nhóm ngành chính của chỉ số S&P 500, công nghiệp là ngành chứng kiến mức giảm mạnh nhất (-1,7%), khi cổ phiếu của một số công ty quốc phòng suy giảm sau khi đã tăng mạnh trong những ngày hậu bầu cử.
RTX Corp là doanh nghiệp quốc phòng có tác động lớn nhất đến ngành này, giảm 3,9% và rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/9. General Dynamics cũng biến động, mất 6,9% sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 31/10.
Chỉ số blue-chip Dow Jones phần nào nhận được sự hỗ trợ từ đà tăng trưởng 6% của cổ phiếu Walt Disney. “Nhà Chuột” đã báo cáo lợi nhuận quý vượt dự báo của Phố Wall và đưa ra hướng dẫn tích cực cho những năm tới.
Tiêu dùng không thiết yếu là lĩnh vực hoạt động yếu kém thứ hai trong chỉ số S&P 500, giảm 1,5%, do một số áp lực đến từ các nhà sản xuất xe điện.
Cổ phiếu của Tesla giảm 5,8%, trong khi Rivian Automotive lao dốc 14,3% sau khi Reuters đưa tin chính quyền Trump 2.0 có kế hoạch hủy bỏ khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho việc mua xe điện như một phần của dự luật cải cách thuế rộng hơn.
Cổ phiếu của Tapestry tăng 12,8%, chạm mức cao nhất kể từ tháng 7/2013, sau khi công ty cho biết họ sẽ hủy bỏ thương vụ 8,5 tỷ USD với Capri Holdings do thỏa thuận bị tòa án Mỹ chặn lại. Cổ phiếu của Capri tăng 4,4%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 15,34 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 13,68 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, trong một sự kiện của Fed Dallas, chủ tịch Fed Jerome Powell đã có bài phát biểu về các chính sách tiền tệ trong tương lai. Theo ông, với việc nền kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường lao động ổn định và lạm phát vẫn trên mức mục tiêu 2%, Fed cần phải cẩn trọng hơn trước khi đưa quyết định cắt giảm lãi suất.
Mặc dù các nhà giao dịch vẫn đang đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12, nhưng xác suất đã giảm xuống còn 62% so với 82,5% vào một ngày trước đó, theo công cụ CME FedWatch.
Bình luận của ông Powell được đưa ra sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 đã tăng 0,2% so với tháng trước, đúng như dự báo, nhưng mức tăng trên cơ sở hàng năm là 2,4%, hơi cao hơn so với kỳ vọng. Tuy nhiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 4.000 xuống còn 217.000 đơn, thấp hơn so với ước tính.
Cơn sốt tăng điểm sau bầu cử Mỹ cũng đang dần lắng xuống khi sự chú ý của giới đầu tư chuyển sang nguy cơ lạm phát tiềm ẩn từ các thay đổi chính sách, chẳng hạn như mức thuế cao hơn mà chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ áp dụng.
GIÁ DẦU TĂNG NHẸ
Trên thị trường năng lượng, giá dầu chốt phiên giao dịch thứ Năm với mức tăng nhẹ. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 28 cent, tương đương 0,4%, lên mức 72,56 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 27 cent, tương đương 0,4%, lên 68,70 USD/thùng.
Brent đang trên đà giảm khoảng 1,7% trong tuần, còn WTI dự kiến kết thúc tuần giảm hơn 2% do đồng USD mạnh và lo ngại về sự gia tăng nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm.
Đà tăng giá trong ngày bị giới hạn bởi số liệu mới cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã bổ sung thêm 2,1 triệu thùng vào tuần trước, cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích về mức tăng 750.000 thùng.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt quá nhu cầu vào năm 2025, ngay cả khi các cắt giảm vẫn được duy trì từ OPEC+.
Cơ quan dự báo, tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 sẽ chỉ tăng thêm 60.000 lên 920.000 thùng/ngày và họ giữ nguyên dự báo năm 2025 ở mức 990.000 thùng/ngày.
Kim Nguyễn