Kết thúc phiên 23/4, chỉ số Dow Jones tăng 419,59 điểm (+1,07%) lên 39.606,57 điểm, S&P 500 thêm 88,10 điểm (+1,67%) đạt 5.375,86 điểm và Nasdaq Composite leo 407,63 điểm (+2,50%) thành 16.708,05 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu ghi nhận mức tăng mạnh nhất. Trong khi đó, tiêu dùng thiết yếu và năng lượng lại tụt lại phía sau.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý 1/2025 đang bước vào giai đoạn cao điểm, với 110 công ty trong chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả. Trong số đó, 75% có lợi nhuận vượt kỳ vọng, theo dữ liệu từ LSEG. Các nhà phân tích hiện dự báo tăng trưởng lợi nhuận của toàn bộ S&P 500 trong quý đạt 8,4%, tăng so với mức 8,0% được ghi nhận vào ngày 1/4.
Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Tesla tăng 5,3% sau khi CEO Elon Musk cho biết ông sẽ giảm bớt vai trò của mình trong chính quyền Trump để dành nhiều thời gian hơn cho các công ty của mình.
Boeing leo 6,1% sau công bố về mức lỗ quý thấp hơn dự kiến nhờ tăng sản lượng và giao hàng nhiều hơn
Ngược lại, General Dynamics lại giảm 3,3% khi báo cáo lợi nhuận tăng 27% nhờ nhu cầu quốc phòng được duy trì mạnh mẽ, nhưng số đơn đặt hàng máy bay thương gia lại giảm so với quý trước.
Nhìn chung, cả ba chỉ số chứng khoán chính đều thu hẹp mức tăng vào cuối phiên. Vào giữa phiên giao dịch, Phố Wall nhanh chóng tăng tốc sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết mức thuế cao giữa Mỹ và Trung Quốc là không bền vững. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng phát tín hiệu sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về mặt kinh tế, chỉ số PMI sơ bộ tháng 4 của S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh đang mất đà và các công ty đang tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ trong bối cảnh bất ổn gia tăng.
Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos chỉ ra rằng khoảng 37% người được hỏi ủng hộ cách Tổng thống Trump xử lý nền kinh tế, giảm đáng kể so với mức 42% ngay sau khi ông nhậm chức. “Thật khó để tìm một nhà kinh tế nào nghĩ rằng mức thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ thương mại hiện nay là một ý tưởng tốt”, ông Ross Mayfield, chiến lược gia đầu tư tại Baird nhận xét.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 17,40 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 19,18 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch gần nhất.
GIÁ DẦU GIẢM MẠNH
Trên thị trường năng lượng, giá dầu trượt dốc 2% sau khi có nguồn tin cho biết OPEC+ sẽ xem xét việc tăng tốc sản lượng dầu vào tháng 6. Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt phiên giảm 1,32 USD, tương đương 1,96%, còn 66,12 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,40 USD, tương đương 2,2%, xuống còn 62,27 USD/thùng.
Ba nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán của OPEC+ tiết lộ với Reuters rằng một số thành viên của liên minh sẽ đề xuất việc tiếp tục tăng sản lượng dầu trong tháng 6, là tháng thứ hai liên tiếp.
Thời gian gần đây, giữa các thành viên OPEC+ đã xuất hiện căng thẳng liên quan đến việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất.
“Việc OPEC muốn tăng sản lượng không khiến tôi ngạc nhiên. Điều đó có thể làm dấy lên lo ngại về sự gắn kết trong nội bộ tổ chức. Có lẽ họ đã mệt mỏi với việc phải kiềm chế sản lượng”, ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures Group nhận định.
Trên thực tế, cả Brent và WTI đều thu hẹp đà giảm trong phiên giao dịch đầu giờ chiều khi Bộ Năng lượng Kazakhstan tuyên bố nước này, dù không phải là thành viên OPEC nhưng là đồng minh trong nhóm OPEC+, vẫn là một bên có trách nhiệm trong cộng đồng năng lượng quốc tế, đồng thời quan tâm đến sự ổn định và cân bằng cung – cầu. Kazakhstan đã khiến nhiều thành viên OPEC+ khác tức giận vì vượt quá hạn ngạch sản xuất được giao.
“Tư cách thành viên OPEC+ là một điều quan trọng giúp đảm bảo sự ổn định, tạo điều kiện thực hiện các kế hoạch quốc gia và thu hút đầu tư. Chúng tôi cam kết tuân thủ khuôn khổ thỏa thuận và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình”, Bộ trưởng Năng lượng Erlan Akkenzhenov được Reuters trích lời. Trước đó, ông Akkenzhenov nói rằng Kazakhstan sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia hơn là lợi ích của OPEC+ khi ra quyết định về mức sản lượng dầu của mình.
Kim Nguyễn