Ông Trump phủ nhận việc sa thải Chủ tịch Fed
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0,32% lên 6.263,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,26% lên 20.730,49 điểm và ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục thứ 9 trong năm. Chỉ số Dow Jones cộng 231,49 điểm, tương đương 0,53% lên 44.254,78 điểm. Tại mức thấp nhất trong phiên, chỉ số này giảm tới 264,31 điểm, tương đương 0,6%.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã nói với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa rằng ông Trump “có khả năng sẽ sớm” sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell. Riêng tờ New York Times đưa tin rằng ông Trump đã soạn thảo một lá thư sa thải ông Powell và trình lên các nhà lập pháp trong cuộc họp đó.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Trump đã phủ nhận các báo cáo này, nói rằng “rất khó có khả năng” sa thải ông Powell trong tương lai gần. “Không, chúng tôi không có kế hoạch làm điều đó,” ông Trump nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông không “loại trừ bất kỳ điều gì.”
Trong nhiều tuần, ông Trump đã thúc đẩy việc sa thải ông Powell, kêu gọi Fed hạ lãi suất mạnh tay. Vào ngày 15-7, ông Trump nói rằng Fed nên hạ lãi suất 3%.
Tuy nhiên, vào đầu tháng này, ông Powell đã xác nhận rằng ngân hàng trung ương lẽ ra đã nới lỏng chính sách tiền tệ nếu không phải vì chính sách thuế quan do chính quyền ông Trump áp đặt. “Trên thực tế, chúng tôi đã tạm dừng khi thấy mức độ thuế quan và về cơ bản tất cả các dự báo lạm phát của Mỹ đều tăng đáng kể do ảnh hưởng thuế quan,” ông Powell nói.
Dữ liệu mới trong tuần này đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát dai dẳng và tác động thuế quan của ông Trump đối với nền kinh tế Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng CPI được công bố vào ngày 15-7 đã tăng trong tháng 6 so với tháng 5.
Mặc dù một báo cáo riêng vào ngày 16-7 về giá bán buôn cho thấy không có thay đổi so với tháng trước, nhưng dữ liệu này cũng không mấy hứa hẹn khi nhìn sâu vào bản chất.
Các ngân hàng tiếp tục báo cáo lợi nhuận trong ngày thứ 2 liên tiếp. Mặc dù công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, cổ phiếu Bank of America và Morgan Stanley đều khép phiên giao dịch giảm nhẹ. Goldman Sachs báo cáo kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, và cổ phiếu ngân hàng này tăng gần 1%.
Dự trữ nhiên liệu tại Mỹ tăng
Khép phiên hợp đồng dầu Brent lùi 19 xu, tương đương 0,3% xuống 68,52 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 14 xu, tương đương 0,2% còn 66,38 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng tại Mỹ vọt 3,4 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 1 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích. Dữ liệu EIA cũng cho thấy dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, đã vọt 4,2 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng 200.000 thùng.
EIA cho biết dự trữ dầu thô sụt 3,9 triệu thùng xuống còn 422,2 triệu thùng trong tuần trước, cũng vượt xa so với dự báo giảm 552.000 thùng. Lượng sản phẩm xăng được cung cấp, một thước đo về nhu cầu, đã giảm 670.000 thùng/ngày xuống xuống còn 8,5 triệu thùng/ngày.
Cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp diễn, với việc Ủy ban châu Âu chuẩn bị các biện pháp trả đũa nếu các cuộc đàm phán với Washington không đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU).
Báo cáo định kỳ hằng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào ngày 15-7 dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ hoạt động tốt hơn trong nửa cuối năm. Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ đang vượt kỳ vọng, trong khi Mỹ và EU đang phục hồi từ năm ngoái.
Barclays ước tính nhu cầu dầu của Trung Quốc trong nửa đầu năm đã tăng 400.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,2 triệu thùng/ngày.
Yên Huỳnh