Phố Wall khủng hoảng thế nào khi đại dịch ập tới?

Phố Wall khủng hoảng thế nào khi đại dịch ập tới?
4 giờ trướcBài gốc
HỆ THỐNG tài chính đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn lan rộng do đại dịch không còn là hệ thống đã sụp đổ vào năm 2008, cuốn theo nền kinh tế toàn cầu.
Các quy định mới được đưa ra sau cuộc khủng hoảng đó đã tái định hình Phố Wall, kiềm chế văn hóa sòng bạc tự do của nó và củng cố bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
Các cải cách Dodd-Frank năm 2010, phản ứng quan trọng nhất của pháp luật trước cuộc khủng hoảng, về cơ bản chẳng khiến ai hài lòng - đạo luật này là kết quả của sự thỏa hiệp chính trị nơi hậu trường và chỉ được thông qua trong đường tơ kẽ tóc với 60 phiếu chống cản trở thông qua tại Thượng viện Mỹ - song nó đã tấn công trực diện một số nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng thế chấp.
Các nhà giao dịch tại các ngân hàng lớn không còn có thể đặt những khoản cược khổng lồ bằng tiền nhà, cơ bản là tiền của cổ đông, nhưng, như cuộc khủng hoảng năm 2008 đã cho thấy, thực ra là tiền của người nộp thuế.
Thay vào đó, vai trò của họ được tái định nghĩa lại là những người thu phí đơn thuần, thu những khoản phí nhỏ để kết nối các khách hàng muốn mua cổ phiếu hoặc trái phiếu hoặc dầu với những người muốn bán. Họ cũng không thể vay tiền vô tội vạ để kiếm lời nữa. Có ít nợ hơn có nghĩa là các ngân hàng sẽ an toàn hơn và giảm bớt được nguy cơ sụp đổ khi gặp áp lực.
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.
Các ngân hàng giờ đây đều phải trải qua các “bài kiểm tra áp lực” hằng năm, mô phỏng việc hoạt động kinh doanh và danh mục chứng khoán khổng lồ mà họ nắm giữ sẽ biến động ra sao trong một kịch bản ngày tận thế do các nhà quản lý ở Washington tưởng tượng ra.
Phiên bản gần đây nhất, vào năm 2019, đã vẽ ra một cuộc suy thoái khởi nguồn từ châu Âu và dần lan sang Mỹ, trong đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên tới 10%, thị trường chứng khoán sẽ giảm một nửa, cả giá nhà lẫn lãi suất đều sẽ giảm. Đó là những chuyện khá khủng khiếp đối với các lãnh đạo ngành tài chính, và gần như mọi ngân hàng lớn đều vượt qua bài kiểm tra.
Nhưng đó chỉ là một bài tập trong phòng thí nghiệm, được vẽ ra bởi các quan chức Washington. Dù có thiện chí đến mấy, hẳn họ không đời nào hình dung ra nổi bầu không khí hoảng loạn đang phập phồng trong những ngày trung tuần tháng 3 năm 2020.
Không giống như hồi năm 2008, khi một cuộc khủng hoảng trong nền kinh tế tài chính tràn sang nền kinh tế thực, nơi mọi người mua nhà, khởi nghiệp, và đi lại, nỗi lo lắng nay lại mang màu sắc trái ngược: những gì khởi phát từ nền kinh tế thực sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính. Sự việc lần này, dù nó có trở thành cái gì đi nữa, thì cũng không phải lỗi của Phố Wall. Nhưng nay nó đã trở thành vấn đề của Phố Wall.
Vấn đề trước mắt là khối lượng giao dịch bùng nổ đã làm tắc nghẽn hệ thống. Tất toán giao dịch, quy trình phức tạp trong đó chứng khoán được giao cho người mua, còn tiền được giao cho người bán, đang không diễn ra. Đến tuần thứ hai của tháng 3, giá trị của các giao dịch thất bại trong sổ sách của Goldman Sachs - các giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, hoặc các tài sản khác đang chờ được xử lý - đã cao gấp bốn lần mức bình thường tính đến cuối tuần thứ hai của tháng 3.
Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng chẳng nguyên nhân nào dễ tháo gỡ. Các nhà giao dịch của Phố Wall, nay cũng đang làm việc từ xa, vào sổ giao dịch chậm hơn. Các trung gian hỗ trợ tại các ngân hàng lưu ký, nơi thay mặt khách hàng nắm giữ chứng khoán, cũng tụt hậu trong việc gửi đi các hướng dẫn định tuyến.
Khách hàng cũng ngày càng tỏ thái độ e dè hơn đối với việc chuyển tài sản thế chấp. Các giao dịch mở đòi hỏi cả hai bên chuyển tiền mặt hoặc các tài sản chất lượng cao khác cho nhau liên tục, tùy thuộc vào những thay đổi giá trong khoảng thời gian quá độ. Một số thay đổi khá dễ tính toán: Một vụ đặt cược vào mức giá cổ phiếu của Apple sau ba tháng nữa có thể được định giá một cách chắc chắn.
Nhưng các giao dịch khác lại có thể được diễn giải tùy nghi. Và các thị trường hỗn loạn, nơi giá tài sản dao động dữ dội hằng ngày, khiến những tính toán đó càng trở nên hóc búa hơn. Đến tuần thứ hai của tháng 3, giá trị của các giao dịch tranh chấp - về cơ bản, là sổ cái của Goldman liệt kê những bất đồng của công ty này với các đối tác thương mại của nó về việc ai nợ ai và nợ bao nhiêu - đã cao gấp ba lần mức bình thường.
Đồng thời, các sàn giao dịch và các phòng thanh toán ngày càng đòi tài sản thế chấp từ ngân hàng gắt gao hơn. Con phố hai chiều sầm uất thường ngày đã biến thành một ngõ cụt. Các ngân hàng đâm ra lại phải nắm giữ những chứng khoán mà họ không định giữ, nhưng không có lượng tiền mặt cần thiết để tài trợ cho chúng. Kết quả là thanh khoản cạn kiệt.
Liz Hoffman/NXB Trẻ
Nguồn Znews : https://znews.vn/pho-wall-khung-hoang-the-nao-khi-dai-dich-ap-toi-post1513531.html