Phố Wall lao dốc không phanh; Dầu quay đầu trượt giá

Phố Wall lao dốc không phanh; Dầu quay đầu trượt giá
20 giờ trướcBài gốc
Dow Jones tương lai mất hơn 1,100 điểm
Hợp đồng tương lai gắn với chỉ số Dow Jones trượt 1.143 điểm, tương đương 2,7%. Mức sụt giảm còn mạnh hơn đối với S&P 500 khi các hợp đồng tương lai mất 3,9%. Đặc biệt, hợp đồng tương lai Nasdaq-100 chịu tổn thất nặng nề nhất với mức giảm lên tới 4,7%.
Làn sóng bán tháo lan rộng sang các cổ phiếu của các công ty đa quốc gia trong giao dịch sau giờ. Gã khổng lồ thể thao Nike mất 7% trong khi Apple - biểu tượng công nghệ toàn cầu - “bốc hơi” 6%. Các nhà bán lẻ lớn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề: Five Below “đổ đèo” 11% và Gap thậm chí còn lao dốc tới 12%. Trong bối cảnh tâm lý tránh rủi ro bao trùm, các cổ phiếu công nghệ cũng không thoát khỏi cơn bão, với Nvidia giảm 4% và Tesla rớt 5%.
Tâm điểm của cơn địa chấn này là thông báo từ Nhà Trắng về việc áp dụng mức thuế cơ bản 10% cho tất cả các quốc gia, trong đó 60 quốc gia sẽ chịu thuế cao hơn nhiều.
“Chúng tôi sẽ áp mức thuế chỉ khoảng một nửa so với những gì họ đã và đang áp với chúng tôi,” Trump tuyên bố dứt khoát trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng Nhà Trắng.
Ông giải thích thêm rằng con số thuế quan ước tính đã tính đến "tất cả thuế quan, rào cản phi tiền tệ và các hình thức gian lận khác".
Điều khiến các nhà đầu tư hoảng sợ là thực tế mức thuế cuối cùng sẽ cao hơn nhiều so với những gì họ dự đoán ban đầu. Lấy Trung Quốc làm ví dụ: Nhà Trắng đã làm rõ với CNBC rằng khi kết hợp mức thuế mới và các khoản thuế hiện tại, mức thuế chính thức đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ lên tới 54%. Các nhà giao dịch đã hy vọng mức 10 - 20% sẽ là mức trần áp dụng chung, không ngờ mức thuế thực tế cao hơn rất nhiều.
Art Hogan, Chiến lược gia thị trường trưởng tại B. Riley Wealth Management nhận định: “Những gì được đưa ra thật ngẫu nhiên, không khác gì những chính sách trước đây của chính quyền này. Mức độ phức tạp cộng với mức thuế mới cuối cùng còn tồi tệ hơn những gì thị trường lo ngại và chưa được phản ánh.”
Trong phiên ngày 2/4, S&P 500 đã tăng điểm ngày thứ 3 liên tiếp với niềm tin rằng Trump sẽ không đưa ra kế hoạch thuế quan quá khắc nghiệt vì lo ngại có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát vốn đã dai dẳng.
Chỉ số chuẩn này đã gặp nhiều khó khăn kể từ cuối tháng 2 và rơi vào vùng điều chỉnh - tức giảm 10% so với mức kỷ lục - do sự bất ổn gia tăng từ các thông báo liên tục về thuế quan của Trump. Sự không chắc chắn này đã bắt đầu phản ánh qua một số chỉ số kinh tế trì trệ, càng tạo áp lực lên thị trường chứng khoán và làm dấy lên nỗi lo về suy thoái.
Larry Tentarelli, chiến lược gia kỹ thuật trưởng tại Blue Chip Trend Report chia sẻ: “Nếu ông ấy chỉ dừng ở mức 10%, tôi nghĩ thị trường có lẽ đã tăng khá mạnh vào lúc này. Nhưng vì mức thuế cao hơn nhiều so với kỳ vọng, tôi cho rằng điều này sẽ tạo ra nhiều biến động giảm điểm hơn trong thời gian tới.”
Dầu WTI giảm 3%
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 46 xu, tương đương 0,6%, lên 74,95 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 51 xu, tương đương 0,7%, lên 71,71 USD/thùng.
Tuy nhiên, ngay sau khi khép phiên ngày 2/4, thị trường lại đón tin áp thuế gây sốc từ Trump và giá dầu lại quay đầu giảm mạnh. Trong đó, dầu WTI đang giảm gần 3% xuống 69,76 USD/thùn.
Trong nhiều tuần, ông Trump đã nói rằng ngày 2/4 là “ngày giải phóng”, áp các mức thuế mới có thể làm rung chuyển hệ thống thương mại toàn cầu.
Biểu đồ liệt kê các quốc gia và mức thuế quan mà ông Trump đưa ra trong thông báo của mình không nêu chi tiết về mức thuế đối với Canada và Mexico. Canada đã xuất khẩu khoảng 4 triệu thùng dầu thô/ngày sang Mỹ.
Chính sách thuế quan của ông Trump có thể làm tăng lạm phát, trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm leo thang tranh chấp thương mại, những khả năng này đã kìm hãm đà tăng giá dầu.
Bình luận từ Mexico đã xoa dịu phần nào lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa hai nước sau khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết vào ngày thứ Tư rằng nước này không có kế hoạch áp thuế quan trả đũa đối với Mỹ.
Ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế quan thứ cấp đối với dầu của Nga, và vào hôm 31/3, ông đã thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran như một phần của chiến dịch “gây sức ép tối đa” của chính quyền ông nhằm cắt giảm xuất khẩu của Iran.
Góp phần làm phức tạp thêm bức tranh nguồn cung toàn cầu, Nga, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, vào ngày thứ Tư đã áp đặt hạn chế đối với một tuyến xuất khẩu dầu lớn khác, tạm dừng neo đậu tại cảng Biển Đen Novorossiisk.
Nga sản xuất 9 triệu thùng dầu/ngày, tương đương gần khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu. Các cảng của nước này cũng vận chuyển dầu từ nước láng giềng Kazakhstan.
Trong khi đó, nhà đầu tư cũng gần như không bị ảnh hưởng bởi dữ liệu dự trữ dầu thô khá ảm đạm của Chính phủ Mỹ. Cụ thể, dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ vọt 6,2 triệu thùng trong tuần trước.
Yên Huỳnh
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/pho-wall-lao-doc-khong-phanh-dau-quay-dau-truot-gia-post121723.html