Kết thúc phiên 27/11, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 136,31 điểm (-0,31%) xuống 44.723,23 điểm, S&P 500 mất 22,85 điểm (-0,38%) còn 5.998,78 điểm và Nasdaq Composite trượt 113,80 điểm (-0,59%) thành 19.061,78 điểm.
Công nghệ thông tin là lĩnh vực hoạt động kém nhất (-1,2%) trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P, chịu tác động bởi đà trượt giảm của cổ phiếu Dell (-12%) và HP (-6%) do dự báo doanh thu quý 4 không mấy khả quan.
Tâm lý tiêu cực đã lan sang cả các công ty công nghệ lớn như Nvidia và Microsoft, khiến chỉ số bán dẫn Philadelphia SE Semiconductor mất 1,8%.
Chỉ số Russell 2000, đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, ít có thay đổi sau khi đạt mức cao kỷ lục vào đầu tuần này.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,40 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 14,92 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, các dữ liệu mới công bố cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 10, một lần nữa chứng minh nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng vững chắc. Tuy nhiên, tiến trình kiểm soát lạm phát dường như đang bị đình trệ.
Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đã nâng kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12. Đồng thời, họ dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong các cuộc họp tháng 1 và tháng 3/2025.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang đánh giá thêm các tác động chính trị - kinh tế từ cam kết áp thuế 25% đối với hàng hóa Mexico, Canada và 10% đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Goldman Sachs nhận định, kế hoạch này có nguy cơ gây leo thang căng thẳng thương mại giữa các nước và làm chậm quá trình đưa lạm phát trở về mục tiêu 2,0%.
“Những dự định thuế quan của ông Donald Trump, nếu được thực thi, sẽ dẫn đến áp lực lạm phát đáng kể. Do đó, Fed sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về lộ trình lãi suất, cân đối giữa dữ liệu kinh tế và động thái chính sách của chính quyền sắp tới”, ông Scott Welch, Giám đốc Đầu tư tại Certuity, nhận xét.
GIÁ DẦU ĐI NGANG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu không có nhiều thay đổi vào thứ Tư do có báo cáo cho thấy tồn kho xăng tại Mỹ tăng mạnh bất ngờ. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 2 cent lên 72,83 USD/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 5 cent xuống 68,72 USD/thùng.
Trong tuần kết thúc ngày 22/11, tồn kho xăng của Mỹ tăng 3,3 triệu thùng lên 212,2 triệu thùng, trích dẫn thông tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Điều này trái với kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters về mức giảm 46.000 thùng.
Tồn kho dầu thô giảm 1,8 triệu thùng, khác với dự đoán giảm 605.000 thùng của các nhà phân tích trong cùng cuộc khảo sát.
“Lượng tồn kho xăng tăng đáng kể và nhu cầu tiêu thụ không thay đổi ở tuần qua thật sự gây ngạc nhiên, bởi chúng ta đang chuẩn bị bước vào cuối tuần nghỉ lễ Tạ ơn khi mà nhu cầu đi lại thường cao kỷ lục”, ông Matt Smith, chuyên gia phân tích tại Kpler cho biết.
Kim Nguyễn