Các công ty hàng đầu như Microsoft, Meta, Amazon và Alphabet (công ty mẹ của Google) đã dành phần lớn khoản chi này cho việc phát triển cơ sở hạ tầng AI, nhưng điều này không tránh khỏi sự lo ngại từ phía Phố Wall, khi các nhà đầu tư bắt đầu tự hỏi liệu những lợi ích kinh tế dự kiến có thể bù đắp được chi phí khổng lồ đó hay không.
Big Tech chi 200 tỉ USD vào AI, gây lo ngại Phố Wall về lợi nhuận tiềm năng và áp lực tài chính tương lai - Ảnh: FT
Chi phí tăng cao
Tuần qua, 4 tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ đã chia sẻ với các nhà đầu tư những lợi ích sơ bộ từ AI tạo sinh. Những công ty này đã nhấn mạnh rằng AI đang thúc đẩy hiệu suất của các dịch vụ cốt lõi và giúp giảm chi phí vận hành. Ví dụ, Meta cho biết AI đã làm tăng hiệu quả quảng cáo và mức độ tương tác của người dùng, trong khi Amazon Web Services (AWS) cho biết mảng kinh doanh AI của họ đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể, đạt hơn 100% hằng năm.
Tuy nhiên, mặc dù có những tuyên bố đầy lạc quan về AI, thị trường chứng khoán không thể tránh khỏi phản ứng tiêu cực khi tập trung vào mức chi tiêu ngày càng cao cho cơ sở hạ tầng và phần cứng. Các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với khả năng sinh lời từ các khoản đầu tư lớn vào AI, đặc biệt là khi chi phí này chưa mang lại những kết quả rõ ràng.
Chỉ trong quý vừa qua, chi tiêu vốn tại các công ty siêu quy mô này đã tăng hơn 62% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 60 tỉ USD. Theo dự báo của các nhà phân tích tại ngân hàng quốc tế Citibank, tổng chi tiêu của 4 tập đoàn sẽ đạt 209 tỉ USD trong năm nay, với các trung tâm dữ liệu chiếm tới 80% số tiền này.
Jim Tierney, một nhà đầu tư tại công ty quản lý tài sản toàn cầu cung AllianceBernstein, cho biết rằng tác động của những khoản chi tiêu này đối với lợi nhuận sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn vào năm 2025.
Lợi ích của AI có đang mơ hồ?
Trong khi một số dấu hiệu ban đầu cho thấy AI có thể thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ đám mây tại Microsoft và Google, những lợi ích này vẫn chưa đủ cụ thể để xua tan mọi lo ngại. Microsoft, ví dụ, đã đạt doanh thu AI dự kiến 10 tỉ USD mỗi năm, một thành tựu được công ty ca ngợi là nhanh hơn bất kỳ mảng kinh doanh nào khác trong lịch sử của mình. Hơn nữa, trợ lý AI "Copilot" - giúp tăng năng suất và khả năng sáng tạo của Microsoft, một dịch vụ tính phí người dùng hằng tháng, đã có mức tăng trưởng nhanh chóng.
Alphabet cũng đã trình bày một số lợi ích của AI tạo sinh, như việc các tính năng trí tuệ nhân tạo mới trong công cụ tìm kiếm của họ đã gia tăng mức độ tương tác của người dùng và cải thiện hiệu suất. Công ty tuyên bố rằng một phần tư phần mềm hiện tại của họ được tạo ra với sự hỗ trợ của AI. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khối lượng tìm kiếm của Google vẫn giảm so với quý trước, đặt ra những câu hỏi về mức độ hiệu quả mà AI thực sự mang lại.
Bất chấp những con số doanh thu và những câu chuyện thành công được công bố, vẫn có một khoảng cách lớn trong việc làm rõ tác động kinh tế thực sự của AI. Brent Thill, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư độc lập đa quốc gia của Mỹ - Jefferies, cho biết rằng thị trường cần thêm bằng chứng cứng để củng cố niềm tin vào AI. Theo ông, các công ty công nghệ chưa cung cấp đủ dữ liệu để chứng minh rằng AI có thể mang lại lợi nhuận đáng kể so với chi phí đầu tư.
Sự lo lắng của các nhà đầu tư
Sự gia tăng đột ngột trong chi phí liên quan đến AI, đặc biệt là cho các trung tâm dữ liệu và phần cứng, đang gây áp lực lên các công ty công nghệ lớn. Các giám đốc điều hành từ Amazon và Microsoft đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư bằng cách so sánh tình hình hiện tại với những ngày đầu của ngành điện toán đám mây, khi chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu cũng tăng vọt trước khi ngành đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô.
Amazon, ví dụ, khẳng định rằng có những tín hiệu tích cực về nhu cầu từ khách hàng, cho phép họ lên kế hoạch chi tiêu hiệu quả hơn. Andy Jassy, giám đốc điều hành của Amazon, đã chỉ ra rằng khả năng điều chỉnh chi phí theo nhu cầu là một yếu tố quan trọng. Tương tự, Amy Hood, giám đốc tài chính của Microsoft, cho biết rằng khoảng một nửa chi tiêu vốn của công ty dành cho việc mua máy chủ, và việc đầu tư này có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về tác động của chi phí đầu tư tăng cao lên báo cáo thu nhập của các công ty trong tương lai gần. Meta đã cảnh báo rằng chi phí cơ sở hạ tầng sẽ tăng đáng kể vào năm 2025, khi công ty phải đối mặt với các khoản khấu hao và chi phí vận hành cao hơn từ đội tàu trung tâm dữ liệu mới của mình. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên lợi nhuận của công ty, ngay cả khi những lợi ích từ AI vẫn chưa rõ ràng.
Một số công ty đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của chi phí cao bằng cách điều chỉnh chính sách khấu hao. Microsoft, Alphabet và Amazon đã kéo dài tuổi thọ hữu ích của thiết bị trung tâm dữ liệu, qua đó làm giảm số tiền khấu hao phải báo cáo hằng năm. Amazon cho biết rằng việc tăng tuổi thọ hữu ích của máy chủ thêm một năm đã giúp bộ phận đám mây của họ tăng biên lợi nhuận thêm 2 điểm phần trăm trong quý gần đây nhất.
Tuy nhiên, ngay cả khi có các biện pháp này, sự gia tăng trong chi tiêu AI sẽ khó tránh khỏi gây áp lực lên biên lợi nhuận. Việc kéo dài thời gian khấu hao có thể giúp giảm bớt tác động ngắn hạn, nhưng về lâu dài, những chi phí khổng lồ vẫn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính tổng thể của các công ty. Nếu điều này đúng, sự sụt giảm thị trường gần đây có thể báo hiệu một giai đoạn đầy thách thức phía trước, khi các công ty công nghệ lớn phải chứng minh rằng những khoản đầu tư khổng lồ vào AI không chỉ đơn giản là một sự lãng phí tài nguyên mà là một động lực thực sự cho tăng trưởng dài hạn.
Hoàng Vũ