Phối hợp kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật sang người

Phối hợp kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật sang người
8 giờ trướcBài gốc
Khi không may bị chó cắn, nhiều người đã chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm phòng.
Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Sau khi cấp tỉnh triển khai nội dung này, tại 9 huyện, thành, trung tâm y tế các địa phương và trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện cũng đã ký kết quy chế phối hợp với nội dung tương tự. Mục tiêu cao nhất trong thực hiện quy chế phối hợp giữa các đơn vị là kiểm soát được bệnh lây truyền từ động vật sang người; kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Có nhiều nội dung phối hợp cụ thể đã được triển khai sau khi Quy chế phối hợp được ký kết. Trong đó, hai bên tập trung trao đổi các thông tin về ca bệnh, ổ dịch trên động vật hoặc trên người, bao gồm: Ngày phát hiện trường hợp bệnh ổ dịch đầu tiên nghi ngờ mắc bệnh hoặc đã xác định mắc bệnh có thể lây sang người; địa điểm các trường hợp bệnh, ổ dịch trên động vật; triệu chứng lâm sàng của động vật nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người; kết quả xét nghiệm; đặc điểm chăn nuôi động vật bị mắc bệnh; các biện pháp phòng, chống đã triển khai; đề xuất các biện pháp giải quyết tiếp theo; việc chia sẻ thông tin được thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu…
Trong trường hợp phát hiện động vật nghi mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người, cơ quan thú y có trách nhiệm tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập đội điều tra, xử lý ổ dịch, gồm đại diện chính quyền địa phương và các cơ quan thú y, y tế dự phòng và các đơn vị có liên quan khác.
Đối với trường hợp phát hiện người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người, cơ sở khám, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị có trách nhiệm thông báo bằng văn bản trong vòng 24 giờ đến cơ quan y tế dự phòng cùng cấp để thông báo bằng văn bản cho cơ quan thú y cùng cấp thành lập đội điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định…
Để tiện cho việc trao đổi và tiếp nhận thông tin, các đơn vị đã lập nhóm Zalo chung, với thành phần bao gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị, các phòng và cán bộ có liên quan... Khi có thông tin cần trao đổi, thành viên trong nhóm sẽ nhắn lên nhóm chung để mọi người cùng nắm được. Trong trường hợp cần thiết, phải xử lý, sẽ thông tin đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để phối hợp vào cuộc.
Đơn cử như ca bệnh nhi ở xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) bị chó cắn hồi cuối tháng 6-2024, với nhiều chỗ cắn ở cẳng tay, cẳng chân, có chỗ vết cắn độ III, đã được bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn phải tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại nhưng người nhà không đồng ý, mà chỉ tiêm mũi uốn ván…
Trước tình hình này, bác sĩ Trung tâm đã nhắn thông tin lên nhóm Zalo chung, đồng thời Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm liên hệ với Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên để chỉ đạo Trạm Y tế xã điều tra và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của xã cùng vào cuộc.
Theo đó, đại diện cơ quan thú y, cơ quan y tế dự phòng, chính quyền địa phương và trưởng xóm đã thành lập tổ công tác đến tận gia đình vận động cho trẻ đi tiêm. Lúc này, gia đình mới thấy được sự cần thiết và mức độ nguy hiểm nên đồng ý để bệnh nhi tiêm.
Tình trạng thả rông chó vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.
Hay như trường hợp mắc liên cầu lợn tại phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) hồi tháng 9 vừa qua sau cơn bão số 3. Sau khi người bệnh có các biểu hiện ốm, sốt…, đã đến khám tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và được chẩn đoán mắc liên cầu lợn, không rõ nguồn lây. Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng đã thông báo lên nhóm chung và phối hợp với cơ quan thú y cùng vào cuộc điều tra dịch tễ, thực hiện các biện pháp phòng, chống và tập trung tuyên truyền đến các nhóm có nguy cơ mắc cao; phòng bệnh đầy đủ trên đàn lợn… nhằm nâng cao ý thức người dân, hạn chế dịch phát sinh nên bệnh đã không lây lan thành dịch ra cộng đồng.
Có thể nói, việc thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan y tế dự phòng với đơn vị thú y từ tỉnh tới cơ sở đã và đang góp phần quan trọng giúp việc điều tra dịch tễ đối với các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch.
Cũng nhờ đó, tuy số người bị chó cắn trong 2 năm gần đây trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể (năm 2023 là 7 nghìn người, 9 tháng 2024 là trên 7,3 nghìn người) nhưng mỗi năm chỉ ghi nhận 1 người chết vì bệnh dại.
Trước hiệu quả tích cực của việc thực hiện Quy chế phối hợp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo sự phối hợp này cần được thực hiện ở các tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, qua đó nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa bệnh lây truyền từ động vật sang người từ cơ sở.
Việt Bắc
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/y-te/202411/phoi-hop-kiem-soat-benh-lay-truyen-tu-dong-vat-sang-nguoi-a1d255c/