Phòng bệnh khi giao mùa

Phòng bệnh khi giao mùa
một ngày trướcBài gốc
Đội ngũ nhân viên y tế tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng bệnh trong trường học.
Vài tháng gần đây, số người mắc cúm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng cao. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 10/2024, số ca mắc bệnh chủ yếu là cúm với hơn 5.500 trường hợp. Đặc biệt thời điểm giao mùa, trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh có khoảng 700 trường hợp mắc cúm, tăng hơn 30% so với các tháng trước đó.
Tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé), những ngày này, đa số trẻ em nhập viện đều có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, sổ mũi... Nguyên nhân được xác định là do thời tiết thay đổi thất thường mà trẻ em sức đề kháng yếu nên dễ mắc cúm.
Đưa con đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, chị Lò Thị Thanh, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé chia sẻ: “Ở nhà, cháu có triệu chứng sốt nhẹ, ho, khó thở, quấy khóc nhiều về đêm nên gia đình đã đưa đến đây chữa trị. Sau khi khám, bác sĩ kết luận do sức đề kháng của cháu yếu cùng với việc giữ gìn vệ sinh chưa đúng cách khiến vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể. Qua điều trị đến nay, tình trạng sức khỏe của cháu đã dần ổn định và sắp được ra viện”.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé khám bệnh cho trẻ nhập viện do bệnh lý phát sinh thời điểm giao mùa.
Hàng năm, vào thời điểm giao mùa, trẻ em trên địa bàn huyện Mường Nhé thường mắc các bệnh lý đường hô hấp, như: Cúm, viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản và các bệnh truyền nhiễm (sởi, quai bị, thủy đậu). Xác định thực trạng đó, ngay từ đầu năm, đội ngũ y tế trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp phòng bệnh cũng như tập trung tuyên truyền nâng cao sức khỏe cho trẻ và người dân. Bác sĩ Lường Văn Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé cho biết: Để giúp mỗi người dân cũng như học sinh nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các trường học với tỷ lệ giáo viên tham gia truyền thông đạt 99%; tỷ lệ học sinh được truyền thông đạt 99,6%. Công tác phòng chống, nhiễm khuẩn hô hấp cấp trẻ em được triển khai ở các xã với tổng số lượt khám bệnh đạt 64%; điều trị đạt 68% kế hoạch…
Tại huyện Nậm Pồ, các trường hợp mắc bệnh trong năm chủ yếu là mắc cúm (66 ca) và tiêu chảy (76 ca). Nguyên nhân chủ yếu do trẻ em có đường thở và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh về hô hấp. Bác sĩ Lê Quang Điện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Thời điểm giao mùa là lúc thời tiết thay đổi đột ngột cả về nhiệt độ, độ ẩm. Yếu tố này tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút phát triển, khiến trẻ nhỏ dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo thống kê 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ trẻ tử vong do viêm phổi trên địa bàn huyện chiếm trên 38%, cao nhất trong tất cả các bệnh. Với người cao tuổi thường có bệnh nền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch. Khi thời tiết thay đổi, bệnh thường trở nặng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể. Do đó, thời điểm giao mùa mỗi người dân nên chủ động phòng tránh bệnh cho bản thân và gia đình mình.
Người cao tuổi được quan tâm khám, chữa bệnh đảm bảo sức khỏe khi thời tiết thay đổi.
Bác sĩ Phạm Đức Tài, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan nên khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế khám và điều trị mà tự ý mua thuốc điều trị tại nhà dẫn đến hiện tượng kháng thuốc. Khi bệnh tình trở nặng mới đến cơ sở y tế nhờ can thiệp sẽ gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong thời điểm giao mùa, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức phòng tránh bệnh, không tự ý điều trị tại nhà và cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của cơ quan chuyên môn...
Để phòng bệnh cho bản thân và gia đình, mỗi người dân cần nâng cao thể trạng thông qua việc thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao; cải thiện sức đề kháng bằng việc ăn, uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời phải giữ ấm cơ thể, thường xuyên đeo khẩu trang, xúc miệng bằng nước muối, giữ gìn vệ sinh cá nhân kết hợp với việc tiêm phòng đầy đủ. Khi có các biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở người dân nên đến cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn biện pháp chăm sóc, điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: Phạm Quang
Nguồn Điện Biên Phủ : http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/219517/phong-benh-khi-giao-mua