Lực lượng chức năng tập huấn về phòng cháy, chữa cháy cho người dân tại phường Bạch Mai.
Nhanh chóng nắm bắt tình hình địa bàn mới
Trong 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 598 vụ cháy, làm 12 người chết, 7 người bị thương; thiệt hại tài sản khoảng 16,9 tỷ đồng. Đáng chú ý, 75% số vụ cháy gây thiệt hại về người xảy ra tại khu dân cư.
Thống kê trên cho thấy, nguy cơ cháy, nổ vẫn hiện hữu trong các khu dân cư. Theo phân cấp, UBND cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy cho khu dân cư; bố trí lực lượng và phương tiện tại chỗ để sẵn sàng ứng phó khi có cháy.
Để công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn đầu sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, công an các xã, phường trên địa bàn thành phố đã nghiêm túc thực hiện quan điểm “không lơ là, không chờ việc, không để bị động”.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Đống Đa, cho biết, các tổ cảnh sát khu vực của Công an phường được giao nhiệm vụ duy trì công tác nắm tình hình, lập hồ sơ đầy đủ đối với các cơ sở thuộc diện quản lý. Qua đó, tham mưu với Chỉ huy Công an phường xây dựng kế hoạch kiểm tra, đặc biệt đối với các cơ sở trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao và các cơ sở phát sinh mới; đồng thời đề xuất UBND phường các biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, công an các xã, phường đã trực tiếp đến từng cơ sở, hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy và xử lý sự cố cháy, nổ. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và cộng đồng.
“Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền sau sáp nhập địa giới hành chính không chỉ giúp loại bỏ tư duy chủ quan, bị động mà còn tạo nền tảng vững chắc trong xây dựng thế trận phòng cháy từ cơ sở”, Trung tá Lê Văn Thinh, Phó Trưởng Công an phường Cửa Nam cho biết.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Vũ Quang Dương, cháy nổ là nguy cơ thường trực, do đó công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được thực hiện liên tục. “Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền địa phương vừa được tổ chức lại theo mô hình 2 cấp, công tác này càng cần được thực hiện hiệu quả, không để xảy ra chồng chéo hay bỏ trống địa bàn”, ông Vũ Quang Dương nói.
Không chủ quan, lơ là
Ngay từ những ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Công an thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập và đưa vào hoạt động 30 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực trên cơ sở điều chuyển từ các đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp huyện, nâng tổng số đơn vị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực trực thuộc lên 36 đội. Qua đó, giúp giảm bán kính chiến đấu, gần dân, gần cơ sở hơn, phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Bắt tay ngay vào công việc, các đội cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực đã triển khai công tác phối hợp với UBND xã, phường, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở kinh doanh, khu dân cư chấp hành nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy; chủ động phòng ngừa và kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố.
Nhấn mạnh chính quyền cấp xã là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở, Thượng tá Ngô Tiến Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, UBND xã, phường cần chủ động rà soát, phân loại cơ sở theo phân cấp; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất; đẩy mạnh tuyên truyền và phát huy hiệu quả các mô hình như: Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, Điểm chữa cháy công cộng...
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Đỗ Thành Thuận cho biết, xã tiếp tục nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật liên quan; chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tổ chức tốt phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn này, đơn vị nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu Công an thành phố báo cáo UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, UBND cấp xã triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo phân cấp.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ khẩn trương biên soạn tài liệu hướng dẫn lãnh đạo UBND xã, phường trong quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; để chính quyền cơ sở nắm vững trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ.
Tiến Thành