Thời tiết giao mùa, đặc biệt vào cuối Đông - đầu Xuân là thời điểm thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp như cúm, sởi, ho gà, thủy đậu... bùng phát. Trước nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh, ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp một cách hiệu quả. Ảnh: Dương Chung
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời gian gần đây, số ca mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng.
Trong đó, bệnh cúm mùa (cúm A, cúm B) và bệnh sởi dễ lây lan nhanh, nhất là tại các trường học, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người. Tính riêng trong tháng 1/2025, toàn tỉnh ghi nhận 360 ca mắc cúm, 80 ca mắc thủy đậu, 7 ca mắc tay chân miệng, 3 ca mắc sởi và 1 ca mắc ho gà.
Tại Trường tiểu học Đồng Tiến, xã Đạo Trù (Tam Đảo), từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, toàn trường đã ghi nhận hàng chục học sinh mắc cúm A.
Cô giáo Lê Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đảm bảo phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cho học sinh, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp tăng cường nắm bắt thông tin, phối hợp với phụ huynh theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của trẻ.
Hằng ngày, giáo viên chủ động tuyên truyền, nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng, chống bệnh lây qua đường hô hấp. Nếu học sinh có biểu hiện mắc cúm, sởi hoặc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhà trường khuyến nghị phụ huynh học sinh nên cho các em nghỉ học để tránh lây lan sang các học sinh khác. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho các em sau khi khỏi bệnh.
Theo kết quả rà soát của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn đang được kiểm soát; nguy cơ gây dịch bệnh sởi, cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp là rất thấp.
Năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98%; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng đạt 95%; tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi đều đạt và vượt chỉ tiêu Bộ Y tế, UBND tỉnh giao. Tuy nhiên, Sở Y tế khuyến cáo không thể chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Là đơn vị thường trực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh mùa Đông - Xuân, đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp… nhanh chóng khoanh vùng, xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng khi phát hiện ca bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế chủ động phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lấy mẫu, xét nghiệm và đánh giá nguy cơ dịch bệnh, từ đó đề xuất và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.
Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...
Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh và đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm khi có dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khuyến khích người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm. Đồng thời, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, đảm bảo tiến độ và độ bao phủ vắc xin.
Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố phối hợp với ngành Y tế tỉnh triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại các điểm du lịch, vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, địa điểm công cộng...
Đặc biệt, công tác giám sát sức khỏe của học sinh, người lao động được tăng cường, đồng thời đưa ra các khuyến cáo cụ thể về phòng bệnh cá nhân.
Dịch bệnh đường hô hấp có tốc độ lây lan nhanh và dễ bùng phát nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế tỉnh và các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng bằng cách tiêm phòng đầy đủ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Sự chung tay của toàn xã hội sẽ góp phần giữ vững thành quả phòng, chống dịch bệnh.
Minh Nguyệt