Phòng chống đói rét, bảo vệ đàn vật nuôi ở vùng núi cao

Phòng chống đói rét, bảo vệ đàn vật nuôi ở vùng núi cao
3 giờ trướcBài gốc
Gia súc, vật nuôi được nhốt trong chuồng khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Ảnh tư liệu: TTXVN
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Đinh Thị Thu cho biết, toàn tỉnh hiện có 57.000 con trâu, 29.300 con bò; 5.500 nghìn con gia cầm và 1.210 ha diện tích nuôi thủy sản. Nhằm tránh tình trạng vật nuôi bị chết đói, rét, ngay từ đầu tháng 11/2024, sở đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống đói, rét vụ Đông - Xuân 2024 - 2025; trong đó, hướng dẫn cụ thể các cách phòng, chống đói, rét cho từng đối tượng vật nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi các kĩ thuật chăm sóc, phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, nhất là ở khu vực vùng núi cao trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống quá thấp.
Theo bà Đinh Thị Thu, nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non. Do đó, đối với trâu, bò, người chăn nuôi phải chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để con nuôi bị đói, khát. Đặc biệt, trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, tuyệt đối không chăn thả trâu, bò trong rừng, trên núi cả ngày lẫn đêm, hoặc đưa trâu, bò đi làm đồng. Người chăn nuôi áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt như đốt trấu, củi… sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi để tránh phát sinh dịch bệnh.
Đối với diện tích thủy sản, trong những ngày xảy ra rét đậm, rét hại, người dân duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 1,5 đến 2m trở lên để lấy nhiệt từ lòng đất giữ ấm nước ao và giảm sự biến đổi đột ngột nhiệt độ môi trường; sử dụng sọt đan bằng tre, nứa có chứa các búi rơm làm ổ dìm dưới đáy ao để làm nơi trú ẩn và chống rét cho cá, tôm... Người dân có thể che phủ bề mặt ao bằng nylon sáng màu, quây kín xung quanh khu vực cao nuôi để ngăn gió, chống rét cho con nuôi...
Là tỉnh thường hứng chịu những đợt rét đậm, rét hại, một số thời điểm có thể xuất hiện băng giá tại vùng núi cao, người chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đã chủ động chuẩn bị thức ăn dự trữ, đảm bảo cho đàn vật nuôi trong những tháng mùa đông. Nhiều hộ còn xây dựng chuồng trại hai tầng với tầng trên chứa rơm, cỏ khô, còn trâu bò ở phía dưới.
Ông Nông Văn Chấn ở xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng cho hay, gia đình nuôi hai con trâu. Những ngày trời lạnh, gia đình không thả trâu ra đồng mà cho con nuôi ăn rơm, cám tại chuồng. Gia đình đã chuẩn bị số lượng rơm, cỏ khô đủ ăn trong những ngày rét đậm, rét hại; đồng thời dùng bạt quây kín xung quanh chuồng để tránh gió lùa. Những ngày nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, gia đình đốt củi sưởi ấm cho con nuôi.
“Người dân trên địa bàn xã đã có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm nên gia đình nào cũng chuẩn bị sẵn thức ăn dự trữ cho trâu, bò ăn trong những ngày trời rét không thể chăn thả. Nhờ đó, những năm gần đây, trên địa bàn không xảy ra hiện tượng trâu bò bị chết do đói, rét”, ông Chấn chia sẻ.
Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/phong-chong-doi-ret-bao-ve-dan-vat-nuoi-o-vung-nui-cao-20241216215229509.htm