Ông Bùi Trung Dung – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng). Ảnh: BNEWS phát
Với tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh, tại Việt Nam, ngày càng nhiều công trình cao tầng mọc lên để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter ở Myanmar với thiệt hại nặng nề tại khu vực tâm chấn khiến dư luận xã hội lo ngại và quan tâm đến khả năng chống chịu ảnh hưởng của các công trình xây dựng cao tầng tại Việt Nam. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Dung – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông đánh giá về hệ thống quy định cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng chống động đất đối với công trình xây dựng tại Việt Nam?
Ông Bùi Trung Dung: Trong các trận động đất ở Việt Nam trước đó, có những trận động đất không gây ra thiệt hại về tài sản cũng như người ở Việt Nam. Nhưng từ đầu những năm 2000, Bộ trưởng Bộ Xây dựng lúc bấy giờ đã họp chuyên đề giao ban những vấn đề này rất nhiều. Sau đó, đã đi đến kết luận cơ bản là phải chống động đất ngay từ công tác quy hoạch, xây dựng và cả thiết kế xây dựng. Trên góc độ quy hoạch xây dựng, phải cố tránh né các đường đứt gãy, các cấu tạo địa chất hay xảy ra khu vực động đất, gây ảnh hưởng tới an toàn công trình. Việc chỉ đạo phòng chống động đất bắt đầu từ góc độ quy hoạch.
Hồi đó cả động đất và bão lũ cũng chỉ đạo chung với nhau. Ví dụ, quy hoạch thì phải tránh các vùng rốn lũ, lũ ống. Quy hoạch các trung tâm hành chính hoặc trường học và nhà văn hóa phải gần các khu dân cư để khi có bão lũ thì có nơi để tránh trú. Điều đó có nghĩa là từ những năm 2000, Bộ Xây dựng đã chủ động báo cáo những nội dung này với Chính phủ và nhận được chỉ đạo cụ thể.
Sau đó, Luật xây dựng 2015 có hiệu lực thì đã tiếp thu rất nhiều ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này. Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Xây dựng đã có rất nhiều đề tài khoa học giao cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng chủ trì để nghiên cứu về động đất cũng như là bão lũ. Bởi vậy, Luật Xây dựng 2015 yêu cầu tất cả các cơ quan chuyên môn về xây dựng, quản lý nhà nước về xây dựng phải có trách nhiệm đối với công trình về mặt an toàn; trong đó có an toàn về động đất. Mà trong an toàn động đất thì vấn đề nhạy cảm nhất là về tần suất. Tất cả yếu tố đều phải tính toán đến và giao cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định đồ án thiết kế; các thiết kế đó đều phải tránh động đất.
Trước đó, các công trình xây dựng quan trọng của Quốc gia, Chính phủ đã giao cho Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng; trong đó, Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực cũng đã xem xét đến vấn đề này. Cho nên, từ đầu năm 2000 đến nay, một số công trình quan trọng quốc gia và kể cả từ 2014 đến nay với các công trình cao tầng ở Việt Nam nói riêng cũng như công trình quan trọng nói chung mà đã được cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định thì đều có kiểm định việc tính toán động đất.
Phóng viên: Như vậy, hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật đã khá rõ ràng và đầy đủ. Tuy nhiên, việc kiểm soát tuân thủ các quy định này ra sao để đảm bảo nghiêm minh và phân định trách nhiệm cho từng khâu như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Trung Dung: Trên thực tế, trong quá trình tính toán, kiểm tra vẫn có rất nhiều công trình phải xem xét lại. Ví dụ như Tòa nhà Lanmark 81 tầng ở TP. Hồ Chí Minh chẳng hạn. Đây là tòa nhà cao nhất tại Việt Nam và cọc sâu tới 115 m, trong khi nền đất ở TP. Hồ Chí Minh là bùn nhão. Do vậy, không thể nào lấy chiều cao tính toán động đất của tòa nhà đó từ móng lên được. Mà qua tính toán, cần phải tính cả chiều cao của cọc đó vào tổng chiều cao tòa nhà. Việc tính toán động đất của tòa nhà này được Bộ Xây dựng xem xét rất kỹ, cho ý kiến yêu cầu tiếp thu giải trình cụ thể. Tòa nhà Lanmark 81 tầng đó là ví dụ điển hình cho việc tính toán động đất có sự kiểm soát của nhà nước.
Toàn cảnh tòa nhà Landmark 81, nơi tọa lạc Khách sạn Vinpearl Luxury Landmark 81 và Đài quan sát Landmark 81 SkyView, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Hoặc ví dụ như hầm Thủ Thiêm cũng phải kiểm tra tính toán tới động đất. Với công trình hầm thì cần xem xét tới cả những rãnh động đất, các đường đứt gãy..., nói chung là xem xét toàn diện khá nhiều vấn đề. Lúc đó, các chuyên gia thiết kế của Nhật Bản và Việt Nam hợp tác rất tích cực. Hầm Thủ Thiêm cũng là một trong những công trình khó với tính toán kháng chấn có sự kiểm soát của nhà nước. Cả 2 trường hợp này đều là ví dụ điển hình về tính toán động đất cho công trình.
Khi thực tế xảy ra, cơ quan quản lý Nhà nước rất khó quản lý trực tiếp mà phải thông qua quản lý gián tiếp, đó là quản lý năng lực của đội ngũ giám sát công trình xây dựng. Quản lý gián tiếp ở đây là quản lý thông qua việc cấp chứng chỉ năng lực để người tư vấn có đủ năng lực giám sát thì gọi là quản lý gián tiếp. Khi tổ chức kiểm tra nghiệm thu thì công tác kiểm tra nghiệm thu của chủ đầu tư cũng là gián tiếp, tức là xem công tác nghiệm thu của người ta như thế nào chứ không thể trực tiếp được như là thẩm định hồ sơ thiết kế.
Bởi trong thực tế, tính toán động đất đã đủ rồi nhưng cấu tạo động đất, cấu tạo kháng chấn có đảm bảo hay không thì lại là vấn đề khác. Kiểu như “vẽ 1 đằng, làm 1 nẻo”. Vậy nên, cấu tạo kháng chấn có đạt hay không thì đấy là vấn đề khác.
Từ vụ tòa nhà bên Thái Lan bị sụp đổ trong trận động đất vừa qua có thể thấy rõ, tải trọng động đất mới đạt khoảng 60% thiết kế thôi, khối lượng của tòa nhà mới chỉ được 1 nửa hoặc 70% thôi mà đã bị sụp đổ rồi. Qua các hình ảnh quay chậm thì nhiều khả năng liên quan đến cấu tạo kháng chấn của tòa nhà, có thể bị bỏ qua mà cái này rất quan trọng.
Ví dụ như những cột nhà thông tầng 3 tầng như vậy thì cấu tạo kháng chấn không tốt thì vẫn bị đổ. Thêm một bài học nữa là sau trận động đất ở California năm 1995, Cục giám định đã có dịp cùng các chuyên gia Mỹ đi khảo sát. Sau đó, các chuyên gia đã viết lại tiêu chuẩn về bê tông của các loại cột nhà theo yêu cầu tiêu chuẩn của Mỹ. Đó là sàn phải bằng bê tông composite - loại bê tông trong đó trộn lẫn cốt sợi thép hoặc sợi carbon để tăng độ đồng nhất và độ dẻo của bê tông. Tuy nhiên, nếu tất cả đều áp dụng theo tiêu chuẩn của Mỹ thì rất tốn kém. Hơn nữa, động đất ở Mỹ cũng lớn hơn ở Việt Nam, họ chịu tác động nhiều nên làm vậy là phù hợp.
Còn tại Việt Nam, ngay từ năm 2000, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và đội ngũ khoa học công nghệ của của cả nước, đặc biệt là Bộ Giao thông (lúc đó) tham gia nhiều công trình cầu, hầm, đều phải xem xét đến tính toán thiết kế động đất. Cụ thể là tại các công trình cầu, mố cầu, dầm cầu đều có cấu tạo kháng chấn động đất; được bố trí các thanh thép đường kính 30 cm và vài thanh để liên kết mố trụ khi có động đất không bị cắt để các dầm không trượt ra khỏi mố. Các hệ thống văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn đều đầy đủ từ những năm 2000 nhưng đến năm 2015 mới đưa vào Luật Xây dựng. Hiện nay, tùy theo quy mô, tầm quan trọng của công trình, cơ bản là kháng chấn được 7 độ richter.
Phóng viên: Theo ông, cần có yêu cầu gì về kết cấu cũng như vật liệu xây dựng khuyến khích được sử dụng để tăng khả năng chống chịu động đất? Nếu phát hiện công trình không đạt chuẩn về khả năng chịu động đất trong quá trình nghiệm thu thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, thưa ông?
Ông Bùi Trung Dung: Ở Việt Nam, hiện nay vẫn còn hạn chế trong yêu cầu bắt buộc về sử dụng vật liệu. Ví dụ ở các nước, các loại nhà cao từ 20-25 tầng trở lên bắt buộc phải dùng bê tông cốt cứng, tức là lõi của bê tông là thép định hình (chữ H). Còn ở Việt Nam, cột thì chỉ tăng cường thép, tăng cường đai...; trong khi ở nước ngoài yêu cầu bê tông cốt cứng, lõi thép – vì chịu giao động rất tốt.
Ở Việt Nam, nếu có điều kiện thì nên khuyến khích chủ đầu tư sử dụng bê tông lõi thép. Tuy bê tông lõi thép đắt tiền hơn nhưng cũng có ưu điểm là thi công nhanh hơn và nổi trội là hệ số sử dụng sàn giúp diện tích sàn tăng lên vì cột nhỏ đi. Ví dụ công trình lớn Tòa nhà Lanmark 81 tầng thì diện tích mỗi cột có thể lên đến 12 m2. Nhưng nếu đưa cốt cứng vào thì cột chỉ xuống khoảng 6-7 m2 thôi, mỗi cột tiết kiệm được 5-7 m2 sàn. Mỗi cái đều có ưu - nhược điểm, nhưng vốn đầu tư thì lớn hơn.
Thêm một loại vật liệu nữa cần tính chú ý là hiện nay vách kính chịu tải trọng động đất chưa rõ ràng. Một số công trình cao cấp có nhà đầu tư nước ngoài, có sử dụng 1 số loại kính an toàn. Theo tôi, thời gian tới cần chú ý đầu tư cho cả vật liệu an toàn. Thêm nữa, quy định là như vậy nhưng tăng cường giám sát quá trình thực hiện cũng rất quan trọng nhằm ngăn ngừa tình trạng “bớt xén”, tâm lý chỉ đầu tư ít nhưng bán giá cao... Nhà đầu tư cần phải có tâm xứng với tầm.
Ngày xưa, quy định cơ quan quản lý Nhà nước phải thẩm định thiết kế về an toàn công trình xây dựng thì một số nhà đầu tư, thậm chí cả lãnh đạo địa phương rất phản ứng. Nhưng sau khi có những sự giải thích và ví dụ cụ thể thì cũng dần thuận. Cho đến bây giờ, năng lực thẩm định thiết kế dần cải thiện, cao hơn trước. Hiện công tác quản lý năng lực tốt nên các công trình cấp 3, thậm chí cả công trình cấp 2 là đã giao cho tư vấn tự làm, chủ đầu tư tự lo. Vì tư vấn tự làm nên họ sẽ tự chịu trách nhiệm, giảm bớt đi gánh nặng của quản lý nhà nước.
Theo quy định của Luật Xây dựng, tất cả công trình từ cấp 2 trở lên, thậm chí công trình cấp 3 mà công trình công cộng, đều do cơ quan chuyên môn của nhà nước phải thẩm định về độ an toàn của công trình; trong đó có an toàn về kháng chấn. Nếu phát hiện công trình không đạt chuẩn về khả năng chịu động đất trong quá trình nghiệm thu, theo quy định pháp luật, quy định hành nghề thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về thiết kế, sau đó thì mới đến cơ quan quản lý Nhà nước về công trình đó. Còn nếu nghiệm thu thi công mà thi công không đúng thì do nhà thầu và tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm. Nhưng theo tôi đánh giá, hiện nay đạo đức hành nghề đang hình thành rất tốt.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hằng – Cẩm Tú (thực hiện)