Thấm nhuần ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an đã và đang chuyển trạng thái mạnh mẽ, góp sức đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng của dân tộc.
Đi trước, đón đầu, sâu rộng và toàn diện
Chống tham nhũng, tiêu cực song hành cùng phát triển kinh tế-xã hội đã là thực tiễn diễn ra tại Việt Nam trong suốt 40 năm đổi mới, đặc biệt là từ Đại hội Đảng lần thứ XIII (đầu năm 2021) đến nay. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các cơ quan chức năng đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án cùng 5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 475 vụ án cùng 1.094 bị can về các tội tham nhũng.
Phát biểu tại Phiên họp tháng 10 của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ (ngày 21/10/2024), Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 sẽ góp phần quan trọng, hiệu quả trong phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.
Việc quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực đã không tác động xấu tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, điều này được minh chứng qua các con số thống kê. Cụ thể, trong các năm 2021 – 2023, bất chấp đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột vũ trang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm tích cực so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Năm 2021, GDP nước ta đạt mức tăng trưởng 2,58%. Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi tích cực, GDP tăng ở mức 8,02% (mức cao nhất trong 10 năm qua). Năm 2023, GDP năm 2023 đạt mức tăng 5,05%. GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 6,42% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%...
Để có được những kết quả về kinh tế - xã hội phải nhắc đến lực lượng Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an với vai trò là chủ công trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đã phát huy hiệu quả sức mạnh không chỉ lôi ra ánh sáng những “ung nhọt” tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mà qua đó còn góp phần xây dựng một môi trường kinh tế trong sạch, khỏe mạnh để thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội trong nước.
Lực lượng Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an luôn xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm qua những nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư “Lực lượng CAND cần đi trước, nắm bắt thời cơ then chốt trong kỷ nguyên mới”. Việc chuyển trạng thái đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an thực hiện nhanh chóng, chuyên sâu, toàn diện và hiệu quả cao ở tầm vĩ mô.
Từ khâu đấu tranh đến thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được lực lượng Cảnh sát kinh tế thực hiện hiệu quả. Số tài sản thu hồi năm sau cao hơn năm trước và luôn đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi tài sản tham nhũng trên 60% (năm 2020 đạt tỷ lệ 72%; năm 2021 đạt tỷ lệ 76%, năm 2022 đạt tỷ lệ 81%). Nhiều vụ án thu hồi tài sản với giá trị đặc biệt lớn như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, đã thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền, tài sản được quy đổi với tổng giá trị gần 400 nghìn tỷ đồng, số tiền thu hồi này cũng lớn nhất từ trước đến nay trong một vụ án. Công tác nhận diện, đấu tranh đối với hệ, loại tội phạm này đã được Cảnh sát kinh tế đổi mới, mở rộng trên không gian mạng, qua đó góp phần đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, buôn lậu trong tình hình mới.
Thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, sâu sát của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát kinh tế chú trọng nghiên cứu, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều cách làm mới, bài bản, cụ thể, thiết thực với phương châm xuyên suốt “Lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài; đấu tranh là trọng tâm, thường xuyên, cấp bách”.
Đặc biệt, trước xu hướng tội phạm lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội phổ biến như hiện nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tập trung triển khai, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trinh sát trên không gian mạng nhằm chủ động nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn phạm tội; nhất là việc thực hiện các quy định, hướng dẫn có liên quan theo chỉ thị, thông tư mới của Bộ về công tác nghiệp vụ cơ bản; Phương án số 01về phòng, chống một số loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng điển hình; Kế hoạch điều tra cơ bản các lĩnh vực xuyên suốt của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Bên cạnh đó, đơn vị đang nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 của Bộ nhằm tổng kết, đánh giá và nâng cao hiệu quả một số hoạt động nghiệp vụ trinh sát trên không gian mạng...
Trong nhiều chuyên án, vụ án cụ thể, các tài liệu, chứng cứ thu thập qua hoạt động trinh sát trên không gian mạng đã giúp phát hiện được việc các đối tượng lên kế hoạch, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm; hợp thức hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ; tìm cách bỏ trốn, tẩu tán tài sản…; làm rõ được vị trí, vai trò của các đối tượng trong đường dây, tổ chức tội phạm; việc luân chuyển, sử dụng dòng tiền do phạm tội mà có; các mối quan hệ xã hội, quan hệ công tác, thói quen sinh hoạt; nội dung trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận của các đối tượng liên quan tới việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật… Đây là nguồn tài liệu, chứng cứ có độ tin cậy, chính xác cao, không chỉ giúp đánh giá, kết luận vấn đề nhanh chóng, khách quan, mà còn là cơ sở để đưa ra những dự báo và đề xuất biện pháp xử lý giúp quá trình xác minh, điều tra các vụ án, vụ việc được nhanh chóng, thuận lợi.
Phòng, chống lãng phí, sai phạm từ sớm, từ xa
Từ công tác điều tra cơ bản theo lĩnh vực xuyên suốt và kết quả đấu tranh với các hành vi vi phạm, tội phạm nổi lên, lực lượng Cảnh sát kinh tế các cấp đã chủ động phân tích, đánh giá tình hình và có nhiều báo cáo, tham mưu, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội, khắc phục những sơ hở, thiếu sót không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật so với thời gian trước, điển hình như trong lĩnh vực y tế, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tham mưu với Bộ kiến nghị Bộ Y tế quản lý chặt chẽ, công khai thuốc, chi phí khám chữa bệnh, điều chỉnh giá bán bộ kit test và giá xét nghiệm COVID-19…, góp phần giảm chi phí khám chữa bệnh của người dân về giá trị thực, giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước và chi phí của nhân dân hàng nghìn tỷ đồng.
Trên các lĩnh vực “nóng” của xã hội như giáo dục, tài chính, ngân hàng, y tế, giao thông…, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tham mưu với Bộ Công an báo cáo Chính phủ chỉ đạo rà soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, vi phạm xảy ra. Nhiều vụ án về kinh tế đã được củng cố tài liệu, chứng cứ, xử lý nghiêm hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan, phát huy tác dụng răn đe và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Từ thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động dự báo, đánh giá tình hình, những tác động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống tội phạm; những sơ hở, thiếu sót về chính sách, pháp luật trong quản lý kinh tế (tài chính, ngân sách, đầu tư, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế, bảo hiểm…) để rút ra những vấn đề cần tập trung tham mưu đề xuất, kiến nghị các ngành, các cấp lãnh đạo chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục và triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, tội phạm từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ và không để tình hình bị mất kiểm soát.
Từ khâu đấu tranh đến thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được lực lượng Cảnh sát kinh tế thực hiện hiệu quả. Số tài sản thu hồi năm sau cao hơn năm trước và luôn đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi tài sản tham nhũng trên 60% (năm 2020 đạt tỷ lệ 72%; năm 2021 đạt tỷ lệ 76%, năm 2022 đạt tỷ lệ 81%).
Vũ Thanh Tùng