Phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài chính: Nhiều kết quả tích cực từ hành động đến nhận thức

Phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài chính: Nhiều kết quả tích cực từ hành động đến nhận thức
2 giờ trướcBài gốc
Chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức ngành Hải quan đảm bảo dân chủ, đúng quy định. Ảnh tư liệu
Chú trọng công tác điều động, luân chuyển cán bộ
Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Thanh Bình cho biết, để công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đạt kết quả cao, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và các hình thức công khai khác theo quy định của Luật PCTN. Tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như thuế; hải quan, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm...
Từng bước đẩy lùi các hành vi tham nhũng
Với những giải pháp đã thực hiện sau 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng năm 2018, công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính đã có chuyển biến tích cực trong hành động, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính và đã thu được kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bộ Tài chính đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước trong các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công... phù hợp với thực tế. Kịp thời điều chuyển tài sản dư thừa so với tiêu chuẩn, định mức hoặc không có nhu cầu sử dụng; đồng thời, xử lý, thanh lý, bán số tài sản không còn sử dụng được.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong việc tổ chức đấu thầu, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng tài sản.
Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Hàng năm, Bộ Tài chính ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ triển khai công tác PCTN, lãng phí và báo cáo việc sử dụng tài sản công, tặng quà, nhận quà tặng không đúng quy định trong dịp Tết Nguyên đán, tăng cường các biện pháp đẩy mạnh phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt”.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã rất chú trọng đến việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn để tránh tham nhũng. Trong kỳ báo cáo, toàn ngành Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 52.406 lượt cán bộ, công chức, viên chức. “Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức được các đơn vị thực hiện theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy trình nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực” - ông Bình nhấn mạnh.
Đặc biệt ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, xác định cải cách hành chính là một trong những giải pháp trọng tâm hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã thực hiện số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, góp phần nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện thuận trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính cũng như góp phần đẩy lùi tham nhũng…
Ngoài ra, căn cứ định hướng của Thanh tra Chính phủ, hàng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản định hướng xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập và ban ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Theo đó, trong kỳ báo cáo, Thanh tra Bộ Tài chính và 5 Tổng cục thuộc Bộ Tài chính đã tiến hành xác minh tài sản thu nhập với 1.255 trường hợp; ban hành kết luận xác minh và công khai kịp thời, đúng quy định.
Vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Bình, hiện Bộ Tài chính cũng gặp khó khăn trong thi hành pháp luật phòng, chống tham nhũng. Đơn cử như, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực; số lượng cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức lớn; nhiều bộ phận án bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp nên công tác quản lý, giám sát công chức trong thi hành công vụ có những khó khăn, phức tạp.
Đồng thời, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng và các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên chưa thật sự rõ ràng; quy định còn chung chung mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chủ trì, phối hợp bảo vệ người tố cáo.
Đặc biệt theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, phương thức thanh toán điện tử hạn chế dùng tiền mặt trong xã hội mới chỉ dừng lại ở phạm vi bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong các quy định của luật Thuế mà chưa có sự khuyến khích việc thanh toán qua ngân hàng trong tiêu dùng của các cá nhân nên việc kiểm soát phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.
Các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo.
Các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập còn vướng mắc về trình tự, thủ tục giải trình, xác minh tài sản, thu nhập, biến động thu nhập phát sinh sau thời điểm kê khai đối với các khoản thu nhập từ lãi suất tiết kiệm, lãi suất trái phiếu, cổ tức; việc xác định các chức danh “tương đương” chưa có văn bản hướng dẫn gây khó khăn cho việc xác định đối tượng phải kê khai như các phòng, ban, đội ở Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan…
Bộ Tài chính kiến nghị một số giải pháp để thực hiện phòng, chống tham nhũng hiệu quả
Để công tác PCTN đạt hiệu quả tốt hơn nữa trong thời gian tiếp theo, ngoài kiến nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Bộ Tài chính cũng nêu các kiến nghị với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ về công tác tổ chức thi hành pháp luật về PCTN.
Cụ thể, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương và các đơn vị ngành dọc thuộc Trung ương quản lý trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; xác định rõ cơ chế quản lý, cơ chế chịu trách nhiệm và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, tổ cức đơn vị.
Ngoài ra, cần thực hiện rà soát cơ chế, chính sách, chú trọng phát hiện những sơ hở, bất cập trong thể chế, chính sách, pháp luật để kiển nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Kiến nghị với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo rủi ro để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để thu hồi tiền, tài sản bị vi phạm, tham nhũng cho ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách.
Vân Hà
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phong-chong-tham-nhung-tai-bo-tai-chinh-nhieu-ket-qua-tich-cuc-tu-hanh-dong-den-nhan-thuc-164126-164126.html