Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2025 sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm như mưa lớn cục bộ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi; bão và áp thấp nhiệt đới ở khu vực đồng bằng gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt. Trước thực tế đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu chính quyền và các đơn vị liên quan nâng cao tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Cụ thể, các địa phương khẩn trương kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai sát với tình hình thực tế. Các phương án sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là khu vực ven sông, suối, hồ đập, vùng có nguy cơ sạt lở cao cần được cập nhật kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Môi trường, cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều, hệ thống tiêu thoát nước.
Sở Xây dựng rà soát các điểm xung yếu trên tuyến giao thông; chuẩn bị phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai. Các cơ quan, đơn vị cần tận dụng hiệu quả các nền tảng số để tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác tới người dân; tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.
Chỉ thị nhấn mạnh, mọi công tác chuẩn bị, ứng phó thiên tai cần được thực hiện theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, lấy phòng ngừa là chính, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.
TNĐT