Công nhân Nhà máy nước Minh Lộc (Hậu Lộc) vận hành sản xuất.
Hàng năm vào mùa nắng nóng, các xã ven biển huyện Hậu Lộc bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, gây khó khăn cho việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân. Vì vậy, ngay từ đầu mùa hè, các nhà máy nước sạch trên địa bàn phối hợp với các xã vùng đông kênh De thực hiện rà soát, thống kê những khu vực dân cư bị gián đoạn cấp nước sạch sinh hoạt để có phương án khắc phục. Theo ông Nguyễn Duy Tuyên, cán bộ Nhà máy Nước Ngư Lộc (Hậu Lộc), nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân, nhà máy đã đưa vào khai thác hồ chứa và dự trữ nước thô rộng 5ha để bảo đảm sản lượng cấp nước cho sinh hoạt khi độ mặn kênh De vượt chuẩn. Trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng, nhà máy duy trì thực hiện lấy mẫu, lưu mẫu nước hằng ngày, qua đó chủ động lấy nguồn nước thô và dự trữ bảo đảm chất lượng nguồn nước cung cấp cho người dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 54 công trình cấp nước sạch tập trung với công suất khoảng 419.810m3/ngày đêm và 506 công trình cấp nước tập trung (tự chảy) với công suất khoảng 36.279m3/ngày đêm. Qua theo dõi hàng năm của Chi cục Thủy lợi, trong trường hợp nắng nóng kéo dài, mực nước các sông xuống thấp, dòng chảy thiếu hụt trên địa bàn tỉnh, có thể chịu ảnh hưởng của thiếu nước, xâm nhập mặn đến việc cấp nước sinh hoạt. Trong đó, khu vực chịu ảnh hưởng của thiếu nước, xâm nhập mặn chủ yếu vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã, vùng ven biển và TP Thanh Hóa. Những khu vực này có nhu cầu sử dụng nước sạch cao do dân cư đông đúc và tập trung nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là các vùng có các công trình cấp nước sạch bị ảnh hưởng do chủ yếu lấy nguồn nước thô từ hạ lưu sông Mã, sông Lèn, sông Hoạt, kênh De... Đơn cử, như Nhà máy Nước Hàm Rồng; hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Hậu Lộc và một số xã lân cận; Nhà máy Nước sinh hoạt xã Ngư Lộc; công trình cấp nước sạch 7 xã huyện Hậu Lộc; Nhà máy Nước sạch Bắc Nga Sơn; Nhà máy Nước sạch sinh hoạt huyện Hà Trung... Hàng năm, khi nắng nóng kéo dài, mực nước các sông xuống thấp, độ mặn 1‰ vùng cửa sông, ven biển duy trì ở mức cao và lấn sâu vào nội địa từ 18 - 24km. Các trạm bơm không lấy được nước và nếu có lấy được nước thì thời gian lấy nước ngắn khoảng từ 4 - 6 giờ, gây khó khăn cho việc cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Đối với tình trạng thiếu nước, hàng năm vào các tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt do mực nước sông hạ thấp, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm tại các huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy hoặc thường bị ngập lụt dẫn đến ô nhiễm nguồn nước ở một số xã của huyện Cẩm Thủy và Thạch Thành. Tại các huyện: Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, dân cư sống rải rác, các công trình cấp nước tự chảy được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các công trình này sau một thời gian hoạt động, phần lớn bị hư hỏng, xuống cấp, ngừng hoạt động. Người dân chủ yếu phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông, suối, các mó nước phía thượng nguồn...
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, Nguyễn Thị Anh Nga, trước thực trạng trên, chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2025. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa khô (khoảng tháng 2 đến tháng 4/2025). Các phòng chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, kiểm tra, đo đếm, nắm chắc tình hình nguồn nước, đánh giá, cân đối khả năng cấp nước của từng công trình đầu mối để các nhà máy nước có kế hoạch sản xuất cung cấp cho sinh hoạt phù hợp. Cùng với đó, chi cục phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.
Bài và ảnh: Lê Hợi