Cần rà soát, khắc phục, sửa chữa hệ thống hồ đập để ứng phó với thiên tai
Khó lường
Bão số 1 dẫn đến các trận mưa lớn giữa trung tuần tháng 6/2025 không chỉ làm ngập úng nhiều tuyến đường mà còn gây thiệt hại nặng cho diện tích lúa hè thu và hoa màu của người dân ở các địa phương trên địa bàn TP. Huế. Nhiều vườn rau người dân vừa xuống giống đã bị nước nhấn chìm, nhiều ruộng lúa vừa mới gieo sạ gần như mất trắng do nước ngập úng kéo dài nhiều ngày.
Đáng lo hơn, hiện tượng mưa dông kết hợp lốc xoáy xảy ra với mật độ dày hơn mọi năm, gây tốc mái nhà dân, gãy đổ cây cối và mất an toàn lưới điện. Những biểu hiện thời tiết trái mùa ấy không còn là cá biệt. Chúng đang trở thành dấu hiệu báo động của biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan.
Nhiều chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, thời tiết đang chịu tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu trước đây mùa mưa bão thường tập trung từ tháng 9 đến tháng 11, thì nay có thể đến bất cứ lúc nào. Ngay cả mùa hè - vốn là thời điểm nắng nóng gay gắt - cũng có thể xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới hoặc những đợt không khí lạnh xen kẽ, gây mưa diện rộng.
Theo thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn TP. Huế, 10 năm qua, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Huế có xu hướng gia tăng cả về số lượng và cường độ. Đáng lưu ý là sự xuất hiện của “mưa lũ trái mùa” - điều vốn hiếm khi xảy ra ở miền Trung. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác phòng, chống thiên tai gặp nhiều khó khăn.
Sự bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và sinh kế của người nông dân. Ông Hoàng Văn Dũng ở thôn Hà Cảng, xã Đan Điền lo lắng: “Trồng rau vụ hè mà như canh bạc. Hôm nay nắng chang chang, mai đã mưa như trút nước, không biết đâu mà tính”.
Hiện, các đơn vị, địa phương trong toàn TP. Huế đã và đang cùng với người nông dân khắc phục lại số diện tích lúa, hoa màu bị đợt bão lũ vừa qua gây hư hại. Tuy nhiên, để đối phó với thời tiết bất thường, điều đầu tiên là phải thay đổi tư duy, không thể tiếp tục chủ quan và ứng phó theo lối mòn cũ.
Thay đổi tư duy ứng phó
Cần xác định rằng, thiên tai có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, vì vậy tinh thần “4 tại chỗ” cần được duy trì thường xuyên, nhưng phải thay đổi một cách chủ động, linh hoạt hơn.
Thực tế cho thấy, một số địa phương tại TP. Huế đã có những cách làm linh hoạt, như sự phổi hợp chủ động giữa chính quyền, các lực lượng và người dân tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh từ đầu mùa hè; tập huấn phòng, chống mưa bão sớm cho các hộ dân ven sông, biển và đầm phá nhằm ứng phó với nguy cơ lũ đột ngột…
Vì vậy, công tác dự báo, cảnh báo sớm về thời tiết cần được chú trọng hơn. Việc ứng dụng công nghệ như bản đồ ngập lụt trực tuyến, cảnh báo mưa lớn qua Zalo, tin nhắn, App thời tiết… tiếp tục được tích hợp và phổ cập đến người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ngành nông nghiệp cũng cần hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, lựa chọn giống lúa, hoa màu... chịu úng, chịu hạn để thích nghi.
Phòng, chống thiên tai, ứng phó với thời tiết cực đoan không chỉ là việc của ngành khí tượng, nông nghiệp hay chính quyền cấp xã, phường, mà cần sự vào cuộc đồng bộ từ cấp thành phố đến cơ sở; từ chính quyền đến các tổ chức hội, đoàn thể, người dân...
Một kế hoạch tổng thể về thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ mang tính đối phó ngắn hạn mà phải là chiến lược lâu dài, với các giải pháp cụ thể như: Phát triển đô thị xanh - thông minh, nâng cấp hạ tầng thoát nước, trồng thêm cây xanh, tăng cường các không gian thấm nước tự nhiên như hồ, ao, công viên.
“Chủ động ứng phó không có nghĩa là chống lại thiên nhiên, mà là tìm cách sống hài hòa, thông minh và thích nghi với thiên nhiên trong thời đại biến đổi. Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất: Không xả rác làm tắc cống; lắng nghe, cập nhật dự báo thời tiết mỗi ngày; học cách sơ tán an toàn; chia sẻ thông tin nhanh trên mạng xã hội khi có bão lũ. Chính những điều nhỏ ấy sẽ tạo nên một cộng đồng Huế chủ động, vững vàng trước mọi diễn biến bất thường của thời tiết”, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn TP. Huế lưu ý.
Bài, ảnh: PHONG ANH