Nguy cơ biến chứng sởi từ người lớn và quá tải bệnh nhi
Bệnh sởi từ lâu đã được nhận diện là mối nguy hiểm chủ yếu đối với trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là những trẻ sơ sinh từ 6 đến 9 tháng tuổi.
Tuy nhiên, gần đây các bệnh viện đã ghi nhận không ít trường hợp người lớn mắc sởi với những biến chứng nghiêm trọng, dẫn đến suy hô hấp cấp và phải can thiệp hồi sức tích cực như thở máy, lọc máu, thậm chí sử dụng ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo).
Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi là hết sức quan trọng, đặc biệt đối với những người chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch tiêm chủng.
Tại Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ cuối năm 2024 đến nay, đã có 104 ca mắc sởi, trong đó không ít ca có diễn biến nặng. Một số bệnh nhân phải sử dụng thở máy, trong đó có một ca phải sử dụng ECMO và may mắn đã hồi phục.
Đặc biệt, khoảng 75% bệnh nhân không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng của mình, làm dấy lên lo ngại về việc thiếu sót trong tiêm phòng. Một bệnh nhân nam 51 tuổi mắc sởi có tiền sử bệnh đái tháo đường và hen phế quản, sau 5 ngày điều trị gặp khó thở nặng, phải đặt ống nội khí quản và thở máy.
Một trường hợp khác là một phụ nữ 28 tuổi mang thai 8 tuần, mắc sởi và có dấu hiệu viêm phổi, gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe mẹ và thai nhi. Một bệnh nhân nam 38 tuổi, khỏe mạnh trước đó, mắc sởi và nhanh chóng phát triển viêm phổi nặng, suy hô hấp, buộc phải thở máy, lọc máu và sử dụng ECMO.
Theo PGS-TS.Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm ca sởi ở người lớn, mỗi ngày trung bình 10 - 20 ca.
Các triệu chứng thường gặp là sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não. Đa số các trường hợp này đều chưa được tiêm phòng hoặc trước đó có tiêm phòng nhưng không tiêm nhắc lại.
So với mọi năm, các bệnh nhân mắc sởi vào viện điều trị có biến chứng nặng hơn; độ tuổi trung bình từ 30 - 65 tuổi. Đáng lưu ý, có bệnh nhân 70 tuổi vẫn mắc sởi biến chứng nặng.
Các ca mắc sởi có biến chứng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản... chiếm khoảng 5% trong số các bệnh nhân nhập viện. Những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng phải can thiệp máy móc.
Cũng về bệnh sởi, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã phát đi công văn yêu cầu các sở y tế và các cơ sở y tế trên toàn quốc phối hợp tiếp nhận và chuyển tuyến bệnh nhân sởi, nhằm đảm bảo công tác điều trị hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng.
Trong ba tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 2.000 ca mắc sởi, trong đó có nhiều ca chuyển tuyến từ các cơ sở y tế địa phương. Bệnh viện đã triển khai các biện pháp sàng lọc và phân luồng bệnh nhân để tối ưu hóa công tác khám chữa bệnh.
Nguy cơ “dịch chồng dịch”
Từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.453 ca mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã, và 1 ca tử vong. Đặc biệt, các bệnh viện tại thành phố không chỉ ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở trẻ em mà còn có một số lượng lớn người lớn mắc sởi, với nhiều trường hợp biến chứng nghiêm trọng.
Ngoài dịch sởi, tình hình dịch tay chân miệng cũng đang gia tăng. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết số ca mắc tay chân miệng trong tuần qua đã tăng lên từ 100-180 ca/tuần, với nhiều ổ dịch nhỏ tại các trường mầm non và cộng đồng. Số ca mắc cúm mùa cũng tăng mạnh, khiến các cơ sở y tế đối mặt với nguy cơ "dịch chồng dịch".
“Dịch tay chân miệng đang có xu hướng tăng theo chu kỳ dịch hàng năm, chủ yếu là ca bệnh tản phát. Hiện đã ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng. Dự báo, số mắc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, đại diện CDC Hà Nội cho biết.
Cộng dồn năm 2025, thành phố ghi nhận 785 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã.
Cũng trong tuần, thành phố ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ngoài ra, các dịch bệnh khác như: Uốn ván, ho gà, não mô cầu, liên cầu lợn không ghi nhận bệnh nhân.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội, Khổng Minh Tuấn cho biết, TP sẽ tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng ngừa như khử khuẩn, vệ sinh và quản lý tốt các ca bệnh để giảm thiểu nguy cơ lây lan. Các cơ sở y tế cũng sẽ được yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đồng thời triển khai tiêm vắc-xin tại các cơ sở giáo dục và cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, mục tiêu mà thành phố đặt ra là khống chế, không để dịch bệnh sởi lây lan và bùng phát. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát từ thành phố đến xã/phường/thị trấn nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch.
Đối với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn, thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời.
Mặt khác, tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm chủng vắc-xin sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng của chiến dịch, tránh bỏ sót đối tượng.
Đồng thời, tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân không chủ quan và chủ động thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế, trong đó đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, liên ngành Y tế - Giáo dục cần tăng cường phối hợp đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại trường học.
Với cơ sở điều trị, Bệnh viện Nhi Trung ương yêu cầu các cơ sở y tế địa phương chỉ chuyển bệnh nhân lên tuyến cuối khi có các tiêu chuẩn cụ thể, bao gồm, tổn thương phổi nặng, dấu hiệu toàn thân nặng, sốt cao không hạ, và các biến chứng nặng của bệnh sởi như viêm não hay viêm cơ tim. Các cơ sở y tế tuyến cuối sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn và điều trị cho bệnh nhân nặng thông qua các kênh liên lạc chuyên môn.
Theo chuyên gia của hệ thống tiêm chủng VNVC, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi là hết sức quan trọng, đặc biệt đối với những người chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch tiêm chủng.
Vắc-xin sởi được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 9 tháng tuổi và nhắc lại vào lúc 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi. Đối với người trưởng thành, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy giảm, việc tiêm nhắc lại vắc-xin sởi-quai bị-rubella (MMR) là cần thiết để phòng tránh bệnh.
D.Ngân