Chương trình OCOP được tổ chức, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng nông sản, góp phần vào quá trình xây dựng NTM. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Đồng thời, tạo được lợi thế, cơ hội để phát huy, khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn, góp phần chuyển đổi, tăng quy mô sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tính đến tháng 11/2024, trong 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 136 sản phẩm 3 sao của 107 chủ thể kinh tế. Có 129 sản phẩm còn thời hạn chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, gồm: 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 7 sản phẩm 4 sao và 117 sản phẩm 3 sao của 93 chủ thể kinh tế.
Trưng bày sản phẩm OCOP tại huyện Chợ Mới. Ảnh: G.K
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết: “Để xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh đạt chứng nhận OCOP, các huyện, thị xã, thành phố bám sát định hướng, quan điểm, mục tiêu và giải pháp trọng tâm Chương trình OCOP của Trung ương, tình hình thực tế địa phương. Từ đó, tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng để phát triển sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế - văn hóa, hình thành sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng. Chúng tôi chú trọng xúc tiến, hỗ trợ chủ thể kinh tế thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành thực hiện Chương trình OCOP”.
Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, chủ cơ sở sản xuất luôn ý thức về thương hiệu, sản xuất, đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, quan tâm cải tiến chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc… Từ đó, nhiều dòng sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng tiềm năng của tỉnh ra đời. Điển hình như sản phẩm OCOP 5 sao Gạo thơm đặc sản Thiên Vương, Gạo ngon tiến vua Tiên nữ; sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao mật thốt nốt dạng sệt, mật thốt nốt dạng bột, mật thốt nốt dạng hạt; sản phẩm OCOP 4 sao bắp non đóng hộp, cá linh kho mía, mắm cá linh chưng, cá linh sốt cà, mật nhụy hoa thốt nốt, thốt nốt đóng lon…
Để được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, sản phẩm Gạo thơm đặc sản Thiên Vương và Gạo ngon Tiến vua tiên nữ của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) được sản xuất theo quy trình khép kín trên vùng nguyên liệu đạt chuẩn SRP, kỹ sư theo sát toàn bộ quy trình canh tác. Nguyên liệu lúa sạch được chế biến trong hệ thống nhà máy hiện đại đạt chuẩn BRC - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm.
Mật thốt nốt dạng sệt, mật thốt nốt dạng bột, mật thốt nốt dạng hạt của Công ty Cổ phần Palmania được sản xuất nguyên chất, 100% tự nhiên, không dùng chất phụ gia. “Công ty chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ, giữ hương thơm, vị ngon đặc trưng của thốt nốt và khoáng chất có trong mật thốt nốt, như: Amino axít, vitamin A, C, D, E và vitamin nhóm B, bao gồm cả vitamin B12 - loại vitamin mà người ăn thuần chay thường bị thiếu hụt” - chị Chau Ngọc Dịu (Công ty Cổ phần Palmania) cho biết.
Đối với sản phẩm khi được công nhận OCOP, sở, ngành tỉnh tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá trên bản tin thị trường nông sản, xúc tiến thương mại nông sản, khuyến nông An Giang; cổng thông tin điện tử của sở, ngành và bản tin của ngành công thương, nông nghiệp, sàn thương mại điện tử. Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ triển lãm OCOP trong và ngoài tỉnh; quảng bá, bán hàng trên TikTok shop, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (Tiki-BigC/GO, Shopee và Lazada). Hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại TP. Long Xuyên, Châu Đốc và các điểm dừng chân du lịch trong tỉnh.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm thông tin: “Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; hỗ trợ chủ thể kinh tế ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất - kinh doanh, quảng bá hình ảnh và xúc tiến thương mại kết nối sản phẩm OCOP; phát triển vùng nguyên liệu, liên kết theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, chú trọng quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường trong sản xuất, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, sử dụng thường xuyên dấu hiệu, biểu trưng OCOP trên sản phẩm…”.
MỸ LINH