Bao đời nay, người dân bản làng nơi miền Tây Quảng Trị có lẽ đã quá quen thuộc với sự hiện diện của loài hoa trẩu mỗi độ hè sang. Nó như một phần không thể thiếu của cảnh vật nơi đây, bình dị như những mái nhà, thân thương như tiếng cồng chiêng vọng lại. Có lẽ, trong tiềm thức, tâm hồn họ, loài hoa trẩu ấy còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn, tượng trưng cho sự trong trắng, thủy chung, cho những điều tốt đẹp và bền vững. Những bông hoa trắng nhỏ bé, e ấp trên cành lá xanh mướt như những đốm tuyết còn sót lại của mùa xuân vừa qua. Chúng khẽ rung rinh trong gió, tỏa ra một mùi hương thoang thoảng, dịu nhẹ, len lỏi vào từng nếp nhà. Hương hoa ấy không nồng nàn quyến rũ mà thanh tao, tinh khiết, gợi nhớ về những dòng suối mát lành, những buổi sớm mai trong trẻo, sự thanh bình của những bản làng...
Những ngày đầu hạ, dọc theo con đường Hồ Chí Minh từ thị trấn Khe Sanh đến xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, giữa khung trời núi rừng ngàn sắc xanh, hoa trẩu tinh khôi cứ thế dịu dàng quyến rũ - Ảnh: Lê Ngọc Tú
Khi ánh nắng ban mai xuyên qua, những bông hoa trẩu như được dát thêm một lớp sương mỏng, lấp lánh như những viên ngọc nhỏ. Có người ví von rằng đó là những nốt nhạc réo rắt trong bản hòa ca của núi rừng - Ảnh: N.B
Người con gái trong ảnh, tay nâng niu chùm hoa như đang ôm cả một vùng ký ức của quê hương. Một khoảnh khắc yên bình, tĩnh lặng giữa thiên nhiên bao la, nơi mà con người và đất trời như hòa vào nhau trong hơi thở dịu dàng của mùa trẩu nở - Ảnh: Lê Ngọc Tú
Hoa trẩu thường nở rộ vào cuối xuân, đầu hạ. Trong ánh nắng nhẹ nhàng, hoa khẽ rơi theo từng làn gió như muốn gửi những lời thầm thì của núi rừng vào lòng người - Ảnh: Lê Ngọc Tú
Hoa trẩu không chỉ là loài hoa đẹp của núi rừng mà còn là biểu tượng của sự gắn bó, mộc mạc và yêu thương – những điều bình bình mà sâu lắng, như chính cuộc sống nơi đây - Ảnh: Lê Ngọc Tú - Nhơn Bốn
Nhơn Bốn – Lê Ngọc Tú (thực hiện)