Phòng tránh đột quỵ khi chạy bộ

Phòng tránh đột quỵ khi chạy bộ
9 ngày trướcBài gốc
Tầm soát sức khỏe là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện các nguy cơ, bệnh tiềm ẩn trước khi tập luyện thể dục gắng sức. Ảnh minh họa
Vì vậy, tầm soát sức khỏe là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện các nguy cơ, bệnh tiềm ẩn.
Mới đây, một người phụ nữ 53 tuổi đã tử vong khi tham gia một giải chạy marathon ở TP Huế, với hơn 12.000 người tham dự. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp đáng tiếc như vậy.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), các nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột có thể do thiểu năng động mạch vành, gây thiếu máu nuôi cơ tim, dẫn đến rối loạn nhịp rồi ngừng tim, hoặc thiểu năng vành dẫn đến nhồi máu cơ tim ngay. Căn nguyên sâu xa là do xơ vữa mạch vành. Tầm soát bằng cách chụp động mạch vành.
Nguyên nhân khác có thể là rối loạn nhịp tim. Tình trạng này có thể là bẩm sinh (hội chứng Brugada, hội chứng WPW, hội chứng khoảng QT kéo dài...) hoặc mắc phải, như rung thất, nhịp nhanh thất, block nhĩ - thất... Tình trạng này xảy ra có thể do bệnh van tim, do dùng thuốc, do rối loạn điện giải...
Người bị ngừng tim đột ngột cũng có thể do mắc bệnh cơ tim, như bệnh cơ tim thể giãn, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim do nghiện rượu... hoặc suy tim mạn tính do mọi nguyên nhân. Ngoài ra, có thể có một số nguyên nhân khác ngoài tim như chấn thương ngực, thuyên tắc phổi, sử dụng một số chất kích thích...
“Tại các nước phát triển, việc sử dụng máy khử rung tim cầm tay có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong ở các trường hợp ngừng tim đột ngột này. Nguyên nhân thiểu năng động mạch vành, nhồi máu cơ tim khả năng thấp hơn. Bởi, với các bệnh nhân như vậy, trong quá trình tập luyện dễ phát hiện ra, trừ trường hợp gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng.
Rối loạn nước điện giải cũng có thể là một nguyên nhân, nhưng thường dẫn tới sốc nhiệt hay say nắng, suy thận cấp nhiều hơn là ngừng tim đột ngột”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhận định.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Long, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, tập luyện thể dục gắng sức như chạy bộ cường độ cao… có thể dẫn tới đột quỵ ở cả người già và người trẻ.
Đặc biệt là người mắc bệnh lý nền như cơ tim giãn nở, bệnh mạch vành… Đây là nhóm bệnh lý thường không bộc lộ triệu chứng rõ rệt. Chỉ khi người bệnh vận động gắng sức, đột ngột mới phát hiện bệnh.
Vì vậy, tầm soát sức khỏe là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện các nguy cơ, bệnh tiềm ẩn. Riêng vận động viên, tầm soát đột tử rất quan trọng để phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn và có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Kim Dung
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/phong-tranh-dot-quy-khi-chay-bo-post726326.html