Phong trào phản chiến lan rộng tại Mỹ những năm 1960

Phong trào phản chiến lan rộng tại Mỹ những năm 1960
17 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh bông hoa trước súng của nhiếp ảnh gia Marc Riboud. Ảnh: Marc Riboud.
Năm 1965, Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch “chiến tranh cục bộ”, hàng trăm nghìn binh lính đã được gửi đến Việt Nam. Năm 1965, số lính Mỹ ở Việt Nam mới chỉ hơn 180.000, nhưng đến năm 1966, con số này đã vượt quá 380.000. Quyết định của các lãnh đạo Nhà Trắng tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ ngay tại xứ cờ hoa. Theo nhà sử học Melvin Small trong cuốn Antiwarriors, phong trào phản chiến này trở thành “lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Từ phong trào tự phát đến cao trào tại Lầu Năm Góc
Khác với các phong trào phản chiến trước đây, phong trào này không có tổ chức trung tâm hay thẻ hội viên. Ai cũng có thể tham gia bất kể họ đến từ tầng lớp nào, từ sinh viên, công nhân, giáo sĩ cho đến chính trị gia, nhà báo, trí thức.
Đến năm 1969, có tới 17.000 tổ chức từ cấp địa phương đến các bang tham gia phong trào. Tiêu biểu có thể kể đến Ủy ban Diễu hành Hòa bình Đại lộ 5 ở New York, Hội đồng Hòa bình Chicago, Ủy ban Vận động Chấm dứt Chiến tranh tại Việt Nam… Tất cả cùng chung mục tiêu phản đối sự can thiệp của Mỹ vào hành trình tìm lại độc lập của Việt Nam.
Những người tuần hành Veterans for Peace phản đối Chiến tranh Việt Nam bên ngoài Lầu Năm Góc ở Washington, ngày 21/10/1967. Ảnh: Reuters.
Cao trào là ngày 21/10/1967, hơn 100.000 người đã đổ về Washington D.C. (Mỹ) để tham gia cuộc biểu tình phản đối leo thang chiến tranh tại Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử phong trào phản chiến tại Mỹ.
Dưới sự tổ chức của Ủy ban Vận động Chấm dứt Chiến tranh tại Việt Nam (MOBE), đám đông tuần hành từ Đài tưởng niệm Lincoln đến trụ sở Lầu Năm Góc. Tại đây, họ đối mặt với hàng rào cảnh sát và binh sĩ thuộc lực lượng quân cảnh, những người được lệnh ngăn chặn đoàn biểu tình tiếp cận tòa nhà.
Căng thẳng gia tăng khi một số người tìm cách tiến vào Lầu Năm Góc, dẫn đến các vụ xô xát với lực lượng an ninh. Tuy nhiên, khoảnh khắc khiến sự kiện này đi vào lịch sử không phải là những cuộc đụng độ, mà là hình ảnh một số người biểu tình nhẹ nhàng đặt những bông hoa vào nòng súng của các binh sĩ.
Hành động này, được ghi lại qua bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Marc Riboud, đã trở thành biểu tượng cho tinh thần phản chiến bất bạo động của thời kỳ đó. Hơn nửa thế kỷ sau, hình ảnh những bông hoa cài vào nòng súng vẫn còn nguyên sức lay động. Nó thể hiện tinh thần phản kháng của một thế hệ vì hòa bình độc lập.
Thông qua các cuộc biểu tình đường phố, phong trào đã tác động đến chính trường Mỹ. GS Melvin Small nhận định trong cuốn sách Antiwarriors: “Phong trào này đã đóng vai trò quan trọng trong quyết định của Tổng thống Lyndon Johnson năm 1968 về việc không tái tranh cử”. Dưới áp lực dư luận, chính quyền Nixon buộc phải kết thúc chế độ quân dịch và chuyển sang mô hình quân đội tình nguyện.
Sức ảnh hưởng của phong trào
Bên cạnh việc góp phần thúc đẩy quá trình Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, phong trào phản chiến này còn tác động lên nhiều quan chức và để lại ảnh hưởng lâu dài trong các chính sách đối ngoại của Mỹ.
Người biểu tình đối diện với đội vệ binh quốc gia Mỹ tại Khách sạn Hilton ở Grant Park, địa điểm diễn ra Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ tại Chicago năm 1968. Ảnh: Reuters.
Chính quyền Mỹ thời điểm đó buộc phải đánh giá lại sức mạnh của các phong trào phản phản chiến. TS Tom Wells - nhà nghiên cứu tại Đại học California - viết trong cuốn sách Phong trào phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam (NXB Springer): “Các quan chức theo dõi phong trào một cách sát sao và liên tục, họ đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm đối phó. Phong trào đã ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của các lãnh đạo, hạn chế các hoạt động công khai của họ, thậm chí len lỏi vào cả gia đình họ”.
Áp lực xã hội khiến các nhà hoạch định chính sách không thể phớt lờ tiếng nói của người dân, đặc biệt trong bối cảnh truyền thông ngày càng có vai trò quan trọng trong định hình nhận thức công chúng.
Tác động của phong trào đã góp phần định hình lại chính sách đối ngoại của Mỹ trong những thập kỷ sau. Theo học giả Melvin Small, trong suốt 25 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, mỗi khi tổng thống Mỹ cân nhắc can thiệp quân sự vào các vùng khác, lãnh đạo Nhà Trắng đều lo ngại về nguy cơ một phong trào phản chiến mới xuất hiện.
Trong suốt chiều dài lịch sử, không phải lúc nào phong trào xã hội cũng để lại ảnh hưởng dài lâu. Nhưng phong trào phản đối sự can thiệp của Mỹ vào hành trình tìm lại độc lập của Việt Nam là một ngoại lệ. Cùng vụ bê bối Watergate, phong trào góp phần làm sụp đổ chính quyền Nixon, chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Việt Nam.
Đức Huy
Nguồn Znews : https://znews.vn/phong-trao-phan-chien-lan-rong-tai-my-nhung-nam-1960-post1543277.html