Được bồi đắp bởi nguồn phù sa màu mỡ của sông Hồng, sông Ninh Cơ, nhiều vùng đất trên địa bàn Nam Định sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, trong đó có nghề sinh vật cảnh (SVC). Từ trồng cây giống, tạo cây phôi, rồi chăm sóc, cắt tỉa, uốn thế, người dân đã tạo tác thành những tác phẩm cây nghệ thuật sinh động, có giá trị kinh tế cao. Nghề SVC phát triển không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu mà góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở các địa phương.
Có dịp về tham gia lễ hội trưng bày cây cảnh, cây thế vừa được tổ chức tại đình làng Vị Khê, xã Nam Điền (Nam Trực) nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội SVC tỉnh Nam Định, những người yêu cây có dịp được thưởng ngoạn các loại cây bon sai uốn lượn mềm mại; những chậu sanh, si, tùng, lộc vừng… được tạo dáng kỳ công với thế "trực", "xiêu", "hoành", "huyền"... Mỗi cây mang một thần thái riêng, ẩn chứa trong mình câu chuyện sâu sắc về triết lý nhân sinh và vẻ đẹp tự nhiên. Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Thống, Chủ tịch Hội SVC huyện Hải Hậu chia sẻ: “Trong lễ hội năm nay, các tác phẩm được trưng bày theo từng nhóm chủ đề: cây thế cổ, tác phẩm nghệ thuật mới, tiểu cảnh non bộ… Đó là sự sáng tạo, tâm huyết, công sức của các nghệ nhân đã gắn bó “cả đời” với nghề đã gửi gắm trong từng tán lá, cành cây; trong quá trình chăm sóc và “tạo hồn” cho cây…”.
Các loại cây được trưng bày theo chủ đề tại đình làng Vị Xuyên, xã Nam Điền (Nam Trực).
Làng Vị Khê là cái nôi của nghề trồng hoa, cây cảnh Nam Định, được biết đến với bề dày lịch sử gần 800 năm. Truyền thống "cha truyền con nối" đã giúp cho phong trào SVC nơi đây phát triển mạnh mẽ và lan rộng trong toàn tỉnh. Theo các nghệ nhân cao tuổi ở làng Vị Khê, trước đây, thú chơi SVC chủ yếu là những người cao niên hay các gia đình có điều kiện kinh tế, chủ yếu trưng bày tại sân vườn gia đình. Theo thời gian, nghệ thuật SVC đã đi vào cuộc sống như một mỹ tục, một thú chơi tao nhã mang tính nghệ thuật, thể hiện bản sắc và tinh hoa văn hóa của nhiều người. Đồng chí Phùng Văn Đồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội SVC tỉnh cho biết: "Hoạt động của những người đam mê SVC ngày càng đa dạng, phong phú theo xu thế văn hóa của người chơi và giá trị SVC. Hàng năm, các cấp hội SVC của tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc triển lãm, trưng bày SVC, tạo “sân chơi” và góp phần quảng bá sản phẩm của nghề SVC. Nhiều hội thi, tham gia Chương trình OCOP và gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương, nhất là các ngày hội, dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc cũng được Hội SVC tỉnh tổ chức. Đây là môi trường giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về nghệ thuật tác tạo và thương mại SVC. Có được những kết quả đó, có vai trò rất lớn của các cấp Hội SVC nhất là vai trò của Hội đồng nghệ nhân tỉnh Nam Định".
Nghề sinh vật cảnh không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo cảnh quan, diện mạo mới cho nông thôn mới kiểu mẫu Nam Điền hôm nay.
Từ trồng hoa, cây cảnh nhiều vùng nông thôn Nam Định giờ khởi sắc, nhiều hộ gia đình có đời sống khá giả, thu nhập ổn định. Hiện, toàn tỉnh Nam Định có 285 nghệ nhân SVC, trong đó có 45 nghệ nhân SVC quốc gia. Nhiều năm qua, cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở, hội viên hội SVC thực sự là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động và phát triển phong trào SVC của tỉnh, từ đó đóng góp công sức, trí tuệ và mang lại giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng cho cộng đồng. Vượt qua những giai đoạn thăng trầm của thị trường, sản phẩm SVC của tỉnh đang dần trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao của các làng nghề hoa, cây cảnh của nhiều địa phương. Không chỉ trong vườn nhà, mà nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được cấp có thẩm quyền quy hoạch, cho phép người dân chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh, tạo giá trị thu nhập cao hơn từ 7-10 lần.
Du khách tham quan tại vườn cây xã Nam Điền.
Theo thống kê của Hội SVC tỉnh Nam Định: Hầu hết các hộ dân trồng hoa, cây cảnh đều có thu nhập bình quân đạt trên 150-200 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm. Một số hội viên phát triển SVC theo mô hình nhà vườn, công ty như: Anh Lê Ngọc Bình, chủ Nhà vườn Thanh Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trà mi cổ Thành Nam, phường Nam Phong; Phan Thanh Bình chủ Nhà vườn Hùng Phượng phường Mỹ Lộc, thành phố Nam Định; Phan Văn Thìn, Phan Văn Quân, Đoàn Văn Thành, xã Hồng Quang (Nam Trực)... có giá trị thu nhập từ 1-2 tỷ đồng/năm. Nghề SVC đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động nông thôn, góp phần xây dựng NTM ngày càng giàu đẹp. Hiện tại diện tích hoa, cây cảnh của tỉnh có khoảng 3.500ha, tổng giá trị đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Người chơi cây tìm hiểu về cây thế.
Thông qua hoạt động SVC, nhiều hội viên đã vươn lên trở thành những triệu phú, tỷ phú, thúc đẩy chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh.
Thực hiện: Hồng Minh - Văn Đại